Tuấn Vũ hát cho xuân muộn

TP - Trở về Tổ quốc khi Xuân sang muộn, có lẽ “cánh chim Phượng hoàng trên bầu trời âm nhạc hải ngoại Tuấn Vũ” cũng không thể ngờ mình đã phác nên một sự kiện ca nhạc nơi quê nhà sau quá nhiều năm vắng bóng. Và người ca sỹ cũng chợt nhận ra có một nơi yêu thương anh nhất trên thế giới sau bao năm mênh mang viễn xứ sải cánh nhạc buồn...
Tuấn Vũ tại đêm diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội

 >> Tuấn Vũ tạm biệt Việt Nam

Tuấn Vũ tại đêm diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội . Ảnh: Tùng duy

Sô “sến vàng” bất tận

Một ngày giữa tháng 7-2010, bản tin danh ca nhạc vàng Tuấn Vũ nhanh chóng loang ra trên hàng loạt trang báo. Tuấn Vũ nói trở về quê hương sau 8 năm xa cách (anh đã một lần về nước năm 2002) lần này để “trở về với tình yêu của mình và thực hiện một ước nguyện lớn nhất của đời mình”, thời giai trẻ thì chạy sô, nay luống tuổi rồi thì chắc phải hạn chế, và không thể lãng phí những phút giây trôi qua cuộc sống này...

Nhiều tờ báo rộ bàn “văn hoá sến trở lại”, còn nói Tuấn Vũ đã tạo nên một sự kiện văn hoá không thể chối cãi của năm 2010. Anh là người lần đầu mang nhạc sến vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Chất giọng dường như đuối phần mượt mà, quyến rũ như thời hoàng kim gần ba mươi năm trước với 1.400 “siêu phẩm” từng làm say đắm hàng triệu con tim, nhưng giờ vẫn còn nồng dịu và nhiều tâm trạng của người đi tìm lại tình yêu, tìm về quê cũ.

Nhưng tấm lòng yêu quý của khán giả quê hương gửi đến “Người yêu cô đơn”, “Hai vì sao lạc”, “Cô bé ngày xưa”... mà mấy mươi năm họ chỉ biết đến qua băng đĩa, hôm nay tận mắt tận tai xem anh hát, đã khiến những “sô diễn hạn chế” dường như kéo dài đến bất tận.

Trong dự định trước đó của anh chỉ có thêm một đêm diễn nữa ở Faifo Hotel Đà Nẵng. Lúc ấy khán giả Hà Nội đã vài người mua vé bay vào miền Nam quyết không bỏ lỡ một lần chiêm ngưỡng tiếng hát “sến” hay nhất cuối những năm 1980 mà được cho là vượt qua hết thảy Chế Linh, Duy Khánh, Thanh Tuyền...

Và ông bầu mê hát sến mang nhãn hiệu “Tiến” ở Hà Nội đã không ngồi nhà đọc tin trên báo. Từ đây, Tuấn Vũ lần đầu mang nhạc sến vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Chất giọng dường như đuối phần mượt mà, quyến rũ như thời hoàng kim gần ba mươi năm trước với 1.400 ca khúc từng làm say đắm hàng triệu con tim, nhưng giờ vẫn còn nồng dịu và nhiều tâm trạng của người đi tìm lại tình yêu, tìm về quê cũ.

Hà Nội bốn đêm liền, rồi thêm hai đêm nữa, khán phòng hơn 500 ghế của Nhà hát Lớn chật cứng không còn chỗ trống dù giá vé ngất ngưởng từ 300 ngàn đến một triệu rưỡi, nếu đến muộn thì đi tìm dân phe vé với giá bốn triệu đồng cũng chưa chắc ngã giá.

Và cũng từ đây, Tuấn Vũ đi Việt Trì, lên Yên Bái, đến cả Sơn La trong cái rét đầu đông, anh lại qua tận Móng Cái, về Hạ Long, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Mười ba tỉnh phía Bắc cả thảy. Nơi nào cũng chật cứng người xem với hoa tươi và những tràng pháo tay liên hồi.

Và dễ có thể nhận ra khán giả của anh hầu hết tuổi “băm” trở lên, tất cả đắm say thưởng thức một lần trong đời thực gặp người ca sỹ mình yêu mến. Ở Việt Trì và Hưng Yên, ông bầu còn tổ chức cho Tuấn Vũ hát ngoài trời với biển khán giả nhìn từ sân khấu không thấy hàng ghế cuối - những chiếc ghế nhựa như được cả thành phố khuân tới cho một đêm diễn.

Không ai biết ông bầu gặt được bao nhiêu và Tuấn Vũ được cát-xê thế nào, chỉ biết rằng hơn 10 ngàn CD “Đường xưa lối cũ” mà Tuấn Vũ cùng em trai Viết Thanh thể hiện (thu âm chỉ trong một ngày rưỡi ngay sau khi Tuấn Vũ về nước) đã bán hết veo.

Tuấn Vũ và Giao Linh hát ở quê nhà

Cả Giao Linh, Hương Lan, Long Nhật, những ca sỹ cùng ca trong các live show với Tuấn Vũ cũng phải theo anh rời Nhà hát Lớn lúc đã gần nửa đêm để bon xe về Hưng Yên hay Hải Phòng, nơi khán giả đã chờ mỏi mắt và sẵn sàng ngồi lỳ đến gần 1h sáng để một lần được coi anh hát.

Nhiều tờ báo rộ bàn “văn hoá sến trở lại”, trong lúc Tuấn Vũ thầm cảm ơn bà chủ Xuân Hoà của phòng trà Văn nghệ (nay là Tiếng xưa) ở TP HCM, người cất công lớn đón anh về Việt Nam lần này, ngay sau những đêm diễn chật ních khán giả Sài thành tại “nốt nhạc vàng góc thành phố” ở 14 Lam Sơn. Dĩ nhiên, có vẻ hạnh phúc nhất là ông bầu Tiến, được tiền, được hãnh diện song ca cùng thần tượng ở tất cả các sô diễn.

Sự thật “sến” về một giọng ca “nhuốm vàng vào sến”

“Đời người không còn bất hạnh nào hơn là không có quá khứ. Có lần tôi xem một phim nước ngoài, nhân vật trong phim sau tại nạn không còn nhớ được quá khứ, và anh ấy đã đi tìm lại quá khứ của mình bằng mọi giá.

Xem xong, tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều vì quá khứ có trải qua đớn đau nghiệt ngã thì nó vẫn luôn là quá khứ của riêng mình, để từ đó tôi có thể hoàn thiện mình, tránh những sai lầm không đáng có của một thời trai trẻ...” - Tuấn Vũ như muốn “gút” lại điều gì đó trước một dàn dư luận trong nước đang bàn tán về anh, về những tháng ngày bí ẩn của anh.

Cả một thời gian dài vắng bóng trên bầu trời âm nhạc hải ngoại. “Người ngoài phố” bỗng dưng biến mất. Vì sao? Phượng Hoàng gãy cánh - câu nói của nhà thơ Nguyên Sa... tặng cho Tuấn Vũ quá ngắn để hàng trăm ngàn người cả trong và ngoài nước mến giọng ca vàng này thoả lòng giải khát tin tức về anh.

Hai anh em Tuấn Vũ và Viết Thanh. .

Nhiều phóng viên trẻ của những tờ báo ở Hà Nội quyết tìm một dòng giải mã. Nhưng Tuấn Vũ thật ít nói. Anh nhường lời cho Viết Thanh, kiêm người “quản lý” anh, có lời kể với Tiền Phong một ngày tại toà soạn.

Có vẻ còn nhiều bí ẩn về Tuấn Vũ mà chính Viết Thanh và cả mẹ anh cùng cả đại gia đình có tới mười người con không tỏ. Đã có lúc Nguyễn Văn Tài mưu sinh như một cửu vạn, làm hộ lý dọn dẹp trong bệnh viện. Rồi có lúc Tài vừa đi làm, vừa đi học thêm trên đất người. Anh làm đủ thứ từ thợ hàn, tiện, điện lạnh, tráng men.

Say những bài nhạc vàng và phát hiện phòng trà, quán cà phê đêm ở San Jose có sân khấu nhỏ cho nhiều ca sỹ sến đã sang đây từ trước năm 1975, anh tìm đến, rồi cùng vài người đồng hương hát cho nhau nghe. Nơi đây Nguyễn Văn Tài được ca sỹ Trúc Mai phát hiện. Cái tên Tuấn Vũ có từ đây trong một album thu chung với nữ danh ca này.

Ngày ấy, được đón tiếp nồng nhiệt bằng hoa và đô la, Tuấn Vũ chao đảo vì nổi tiếng và... quá cô đơn. Ai đó đã loang ra tin đồn nhanh chóng, rằng anh đã đam mê ma túy.

Tiếng hát quá hay. Bầu trời âm nhạc hải ngoại như bắt đầu toả sáng một ngôi sao trẻ. Người Việt ở Mỹ khắp nơi biết đến Tuấn Vũ. Anh bước vào thế giới nhạc vàng ngay khi anh nghe lời khuyên của Trúc Mai chuyển đến sống ở Santa Ana, Califonia để tiện tiếp cận kỹ thuật âm thanh, hơn nữa đây cũng là vùng có nhiều ca sỹ hải ngoại đang sống.

Album riêng của anh, “Gửi về em” được phát hành đến từng góc phố Cali và nước Mỹ, sang Âu châu, về Việt Nam... Quãng năm 1985-1989, một thời đỉnh cao, Tuấn Vũ đã có thể kiếm được một ngàn đô la cho mỗi bài thu âm.

Vài chục bài một tháng, anh kiếm tiền nhiều như lá. Các trung tâm lớn, trong đó có Thúy Nga Paris, mời mọc anh với cái giá sô của một ông hoàng âm nhạc. Hàng loạt những ca sỹ như Giao Linh, Hương Lan, Thanh Tuyền, Chế Linh... đã cùng Tuấn Vũ cho ra album chung.

Tuấn Vũ đổi đời và mua nhà ở Cali với cái giá nửa triệu đô thời đó. Nhưng cái giá của “nghệ sỹ hàm siêu sao” đã vướng vào anh trên một vết xe đổ của không ít người nổi tiếng khác. Được đón tiếp nồng nhiệt bằng hoa và đô la, Tuấn Vũ chao đảo vì nổi tiếng và... quá cô đơn.

Ai đó đã loang ra tin đồn nhanh chóng, rằng anh đã đam mê ma túy. Nghe nói có vài trung tâm băng nhạc “quỵt” của anh tổng số tiền đến triệu đô, còn anh thì không đủ kiên trì và sức lực đòi lại nữa. Nhưng chưa hết, ngôi nhà anh nhờ bạn đứng tên cũng bị bạn lừa nốt. Tuấn Vũ sống trong cay đắng muôn phần.

Tiền còn đủ cho một ngôi nhà nhỏ, ba mươi tuổi, anh lấy vợ. Cuộc sống hạnh phúc với người vợ gốc Hoa ngắn tày gang nhưng họ cũng có với nhau một đứa con trai - tên Đức. Nay Đức đã 21 tuổi đang đi học. Chi tiết này được Tuấn Vũ xác nhận ở hậu trường Nhà hát Lớn Hà Nội khi nói chuyện với PV Tiền Phong, và Viết Thanh cũng nói thế. Nhưng nhiều người nói anh chưa hề có vợ.

Ba mươi năm tình vàng gửi vào những ca khúc vàng, một bài báo trên Tiền Phong, anh đấy - Tuấn Vũ bảo thế và trân trọng xin lại tờ báo viết về mình để về Mỹ đọc lại. Trên một tờ báo mạng, Tuấn Vũ tâm sự rằng vợ chồng chia tay vì phía gia đình nhà vợ muốn Tuấn Vũ làm quản lý siêu thị của họ. Anh phản đối. Nói là mình sinh ra để hát.

Anh lại cô độc để rồi chìm vào rượu. Cứ uống như thể một người bị rượu say trừng phạt. Nguyên Sa từng đưa anh về nhà sống chung. Khuyên Tuấn Vũ hãy hát trở lại sau nhiều năm liền vắng bóng trong đau buồn, trước ngày rời thế gian, ông tặng cho Tuấn Vũ những câu nói vàng: Phượng Hoàng gãy cánh, nhưng tôi biết một ngày nó sẽ trở lại, và nó luôn biết cất cánh một cách chính xác...

Tuấn Vũ độc thân. Ở Mỹ, nhiều danh ca hải ngoại không rõ lý do gì đã bớt những cuộc chơi bên anh. Có người còn nói anh không cùng đẳng cấp với họ. Tuấn Vũ bỏ mái tóc xoăn bồng dài đã thành nhãn hiệu nổi tiếng. Quá nhiều khán giả Việt thoáng chút lạ lẫm bàn tán vẻ ngoài của anh đã quá khác với những tấm hình và những đoạn clip cũ.

Và Viết Thanh không thể kể gì hơn khi nói về cuộc sống riêng tư của anh Vũ. “Con trai và vợ của anh Vũ chưa từng về Việt Nam bao giờ. Còn gia đình tôi, kể cả mẹ già, cũng chưa bao giờ sang nhà anh Vũ ở Cali” - em trai của người ca sỹ đã muốn dừng câu chuyện mà chính mình cũng ít tỏ tường. Và, Viết Thanh nói, Tuấn Vũ muốn về quê sống, lấy vợ...

Đam mê “fan” Hà Nội

Trang diễn đàn Yêu Nhạc Vàng choán một không gian lớn cho các “fan” Tuấn Vũ với cái tên TVF. Họ náo nức chen vào những topic thông tin cho nhau đủ chuyện về người họ hâm mộ. Đón Tuấn Vũ ở sân bay, tìm đặt khách sạn cho anh, đưa anh đi dạo phố Hà Nội, tiếp sức cho anh bát cháo ngon sau đêm diễn, và đeo bám cùng xe với Tuấn Vũ đi chào bán CD “Đường xưa lối cũ” ngay cửa Nhà hát Lớn hay ở bất kỳ sân khấu tỉnh lẻ nào.

Những cái nick như Muzis, Caotuanvu, Tài, Rongthien, Đame... thay nhau tường thuật chi tiết trên diễn đàn sau lúc nửa đêm khi vừa chia tay nhau ở sân khấu. Không chỉ tổ chức “đại hội TVF” đến 3 lần kể từ 2 tháng qua, họ còn bày biện khá chu đáo, trang trọng cả một ngày sinh nhật Tuấn Vũ 16-12 vừa rồi - sớm hai ngày (Tuấn Vũ sinh 18-12-1959) để Phượng Hoàng kịp bay về vùng viễn xứ...

Tuấn Vũ: Tôi lại hát bằng yêu thương đam mê dẫu xuân đến muộn. Tôi đang rất trân trọng những giây phút sống này trên quê hương, và nhất định không thể có lý do gì để đẩy mình vào cay đắng muộn phiền...

Theo Báo giấy