Từ xế xe ôm đến ca sĩ thính phòng

TP - Vũ Minh Vương - trưởng nhóm nhạc Dòng Thời Gian gần đây liên tục ra những sản phẩm riêng như album nhạc âm hưởng miền núi hoặc MV Cuộc đời là những chuyến đi theo phong cách rock. Nhưng anh khẳng định Dòng Thời Gian vẫn sẽ “không bao giờ tan rã”. 
Sau album Giai điệu vùng cao tập hợp những bài quay cho VTV5, Vũ Minh Vương vừa ra mắt MV giới thiệu cảnh đẹp quê hương đất nước Ảnh: NVCC

Dòng Thời Gian mặc định là nhóm hát nhạc thính phòng, trang trọng nhưng người sáng lập lại có bề ngoài hết sức dân dã. Ngoài dáng người nhỏ thó lên miền núi toàn được người Mông bắt chuyện, anh còn có sở thích đi dép tông suốt 4 mùa. “Xỏ ngón cái đi ngay! Thời gian dành để đọc sách, tối trước khi đi ngủ ngẫm những việc trong ngày hơn là nghĩ mình mặc gì hôm sau”, Vương tuyên bố. Có lần Vương bị vợ đuổi về không cho đi ăn nhà hàng cũng chỉ vì quen thói dép tông, quần soóc. Lủi thủi về nhà, lát sau lại sáng tác được bài hát…

 

Sáng tác về Bác Hồ

Vương hoạch định một con đường sáng tác riêng, không “thị trường”, không tình yêu đôi lứa, khởi đầu bằng album về Bác Hồ trong đó có một bài do anh sáng tác. Ban đầu chỉ do ca sĩ thấy khó khi hát theo bản phối mới bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác, tức khí anh về viết luôn bài của riêng mình, một buổi chiều là xong. Nhưng tất nhiên trước đó, Vương cũng có thời gian nung nấu với nhiều cảm hứng về Bác. Bài hát có câu: “Khi đất nước lâm nguy, chàng trai năm ấy ra đi…”. Quan điểm của anh là, ai cũng có thời trẻ trai, chứ đâu phải từ bé đã là lãnh tụ để phải dùng những danh xưng đao to búa lớn. Đọc sách lịch sử là sở thích hằng ngày của Vương. Chả thế mà anh sáng tác cả về vua Trần Nhân Tông…

Mảng đề tài thứ hai Vương quan tâm là tình yêu cuộc sống, cụ thể là quê hương đất nước. MV mới ra đời là một ví dụ. Bài hát bật ra khi Vương đọc bài câu trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, đại ý: ngồi yên một chỗ suy nghĩ cũng là đi chứ không cứ phải xách ba-lô ra khỏi nhà. Bài Việt Nam đâu chỉ hình chữ S cũng xong ngay trong đêm sau khi tác giả bắt gặp một dòng trạng thái Facebook của một nữ sinh không quen biết. Cô bé nói: Nếu nhắc đến Việt Nam mà các bạn chỉ nhắc đến dải đất hình chữ S thì các bạn sai hoàn toàn vì vẫn còn quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

“Với mọi người, Bác Hồ luôn kiệt xuất, đỉnh cao trí tuệ… Tôi lại thích nhìn từ con đường Bác đi và di sản mà Bác để lại. Tôi cho rằng hơn ai hết, Bác sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Tại sao chỉ có mình Bác làm nên sự nghiệp trong khi rất nhiều người cùng chí hướng khác lại không làm được”, Vương nói. “Những câu chuyện về sự chịu đựng gian khổ của Bác trên đường cứu nước như phải đi cào tuyết hay sưởi ấm bằng viên gạch khiến tôi rất xúc động và đồng cảm vì… tuổi thơ tôi cũng rất dữ dội”.

Một trong những ký ức sâu đậm thời 3-4 tuổi là được mẹ cắp nách lên hát Bác Hồ một tình yêu bao la. Mẹ Vương có giọng hát hay thường được các đám cưới đề nghị lên hát. Nhưng thay vì hát nhạc tình, bà lại hát về Bác. Gia đình Vương ở vùng duyên hải Thái Thụy, Thái Bình trong một ngôi nhà tường đất mái lợp rạ. Thời chưa biết đến tivi đài báo, nên mới có chuyện đang nằm tự dưng thấy trời trắng xóa. Hóa ra bão về tốc hết mái. Thế là lại trải áo mưa lên giường, mẹ bế con nép góc tường chờ bão qua, hôm sau lợp lại mái.

Bố mẹ đi làm đồng, mấy đứa trẻ con cùng xóm cứ lăn lóc sống cùng nhau. Chúng có thú vui mỗi khi nồi cám lợn sôi, dãi khoai nguyên củ trồi lên, nhặt lấy bóc ăn ngon lành. Ở vùng quê ấy, có con vào đến cấp 3 đã là niềm tự hào của bố mẹ. Cánh cửa vào đại học đối với  Vương thật xa vời dù cậu học khá. Nhưng cuối cùng ước mơ của Vương vẫn thành hiện thực theo một một cách lắt léo không ngờ.

Học xong cấp 3, Vương đi làm nhiều nghề, từ sửa chữa xe máy, tráng phim trong buồng tối, rồi chụp ảnh, làm ảnh... “Cùng lúc làm ảnh chạy thêm xe ôm là bình thường - không tính, vì đó không phải nghề”, Vương nói. Vì một xích mích nhỏ với chủ hiệu ảnh, Vương bỏ lên nhà bác ở Hà Nội với đúng 30 ngàn đồng trong túi- đủ tiền đi tàu hỏa. Bố can không được, vì nghề ảnh ở Thái Bình đang kiếm mỗi tháng 800 ngàn- bằng cả tấn thóc. Sau gần 2 tuần chủ yếu sống bằng mì tôm, anh cũng xin được chân làm ảnh tại thủ đô.

Ðường đến trường

Ông anh trai hơn Vương 3 tuổi được miêu tả “nhà có bao cái tốt đẹp lấy hết: vẽ đẹp, hát hay, cao 1m80 đẹp giai như Hàn Quốc...”. Anh của Vương sau mấy năm tung tẩy cũng muốn ổn định, lên Hà Nội chuẩn bị thi Mỹ thuật Công nghiệp, ở phòng trọ của em. Đêm nằm, Vương tâm sự: “Em không buồn gì, chỉ buồn mỗi cái không được thi đại học…”. Thế là mấy ngày sau đang đi làm thì ông anh về ném cho bộ hồ sơ tại chức Thanh nhạc. Hóa ra anh âm thầm đi đăng ký cho em. Thời học sinh, Vương cũng đôi ba lần biểu diễn ở trường nhưng hễ hát trước mặt anh là lại bị chặn: “Im, hát như tao còn chả ăn thua nữa là mày!”.

Lò dò đến điểm thi, đã thấy nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ) xông ra: “Không cần hát gì cả, chỉ cần 1 aria, 1 romance nhé!”. Mặc dù không biết mấy tiếng Tây kia là gì nhưng đã nộp lệ phí thi rồi, Vương cứ nhắm mắt đưa chân. Bỗng thấy có thí sinh hát Đỉnh núi Lê nin, mừng húm, vì đã nghe Trọng Tấn hát trên đài mãi.

Thi xong bài đó, cùng với Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, NSND Trung Kiên mới hỏi: “Con có biết thi tại chức là gì không?”. “Lúc ấy bắt đầu nước mắt ngắn dài. Sợ chứ, mình có được tiếp xúc gì đâu, chỉ quanh quẩn trong phòng ảnh”, Vương nhớ lại. “Ông hỏi tiếp có muốn thi chính quy không. Đang khóc nhưng đầu vẫn nhảy số rất nhanh: tức là mình có khả năng”. Vương được viết giấy chuyển xuống thi chính quy nhưng trượt vì không biết gì về ký xướng âm. Năm sau anh đi học ôn và đỗ.

Ông anh trượt Mỹ thuật Công nghiệp nhưng về sau được Vương hướng cho học sư phạm âm nhạc ở tỉnh. Tuy nhiên thằng em thuộc diện thù dai, vẫn nhớ hồi bé bị anh bắt nhịn hát nên có lần về nhà giở trò dạy anh hát, lên giọng: “Há cái mồm ra, há thế mà cũng há à…”. Vậy nhưng Vương cũng mất 10 năm trong trường mới có bằng đại học ở tuổi 32. Do bảo lưu mất 2 năm để ra album cùng nhóm và album riêng về Bác.

Mặc dù khá mát tay sáng tác (có bài được VTV giới thiệu trong chương trình Tác phẩm mới, vừa được giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tác về Bắc Ninh…) nhưng Vương cũng rất yêu ca hát. Nhiều đối tác và nhất là vợ (là cô giáo dạy múa cho thiếu nhi) muốn anh mở trung tâm dạy nghệ thuật nhưng Vương quyết không. “Phụ nữ ở tuổi của vợ tôi có quyền là bà chủ thành đạt, nhiều tiền, nhưng tôi chỉ nói: ‘Hãy để cho anh hát, đến thời điểm nào đó anh sẽ làm nhưng không phải bây giờ, đừng ép anh. Lúc này anh có thể làm cho em nhưng sau đó nó sẽ chiếm hết thời gian, anh không được hát nữa”, Vương thuật lại. Anh khẳng định: “Mình chỉ có một cuộc đời để sống, sẽ làm đúng trái tim mình mách bảo. Tôi ưu tiên những việc lớn lao và làm đến cùng chứ không qua loa”.

Vũ Minh Vương thường xuyên khoe ảnh ăn mì gói trên Facebook. Căn nguyên của sở thích này là từ một lần ốm khi đang ở trọ một mình tại Hà Nội. Sốt cao quá, Vương lịm đi mất 2 ngày. Tỉnh dậy định ra đầu ngõ mua gói mì tôm 1.200 đồng nhưng cả nhà chỉ có 1.000 đồng. Không muốn mua nợ, Vương uống một bụng nước rồi ngủ tiếp đợi chiều đến phòng ảnh ăn cơm nguội rồi làm việc luôn.

Học xong cấp 3, Vương đi làm nhiều nghề, từ sửa chữa xe máy, tráng phim trong buồng tối, rồi chụp ảnh, làm ảnh... “Cùng lúc làm ảnh chạy thêm xe ôm là bình thường- không tính, vì đó không phải nghề”, Vương nói.