Ngày 9/7, Toà án Nhân dân TPHCM đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi) với tổng mức án của hai tội danh “giết người” và “cướp tài sản”.
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Nguyễn Hữu Tình giết cả 5 người gia đình chủ ở quận Bình Tân, TP.HCM đã đến tột cùng tội ác. Hành vi của Nguyễn Hữu Tình là đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng cải tạo nên cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn.
Tại phiên toà xét xử, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Tình đã đề đạt nguyện vọng xin hiến xác cho khoa học. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyện vọng hiến xác của tử tù Nguyễn Hữu Tình rất khó thành hiện thực. Việc hiến xác, hiến mô tạng từ người tử tù rất khó thực hiện bởi những quy định, hành lang pháp lý cũng như phương án tử hình.
Ví dụ như trước đó, tử tù Nguyễn Hải Dương, hung thủ vụ giết 6 người ở Bình Phước, trong quá trình chờ đợi thi hành án tại trại giam tỉnh Bình Phước, tử tù Nguyễn Hải Dương đã có nguyện vọng hiến xác cho khoa học. Ngoài bản thân hung thủ sát hại 6 mạng người, thì gia đình Dương cũng đồng thuận với nguyện vọng này. Tuy nhiên, đến ngày 17/11/2017, cơ quan thi hành án đã tiến hành việc thi hành án tử tù này bằng việc tiêm thuốc độc. Sau đó, thi thể của từ tù Nguyễn Hải Dương đã được bàn giao cho gia đình để mai táng.
Trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện nguyện vọng này khó thành hiện thực là hiện nay chúng ta đã thực hiện việc thi hành án tử hình bằng biện pháp tiêm thuốc độc. Biện pháp này khiến cho các mô tạng cũng như bộ phận cơ thể của thi thể sẽ bị nhiễm độc. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế việc này khiến cho công việc nghiên cứu khoa học cũng như các bộ phận mô tạng của người hiến không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nói chung và đơn vị điều phối ghép tạng bệnh Viện Chợ rẫy nói riêng, cùng các đơn vị như Đại học y dược, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch… thì đến nay vẫn chưa tiếp nhận trường hợp tử tù hiến xác.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM, hiện pháp luật không cấm những tử tù quyền hiến tạng cho người khác, bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 cho thấy: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2016 cũng quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành án tử hình đối với các bị án được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc. Do đó, khi tiêm thuốc độc vào người thì có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa, và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực thi.
"Để có cơ chế pháp lý cho việc hiến mô, bộ phận cơ thể và xác của tử tù nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù, cũng như để đảm bảo chất lượng của các mô, bộ phận cơ thể, cần có các quy định nhằm đảm bảo việc thi hành án và hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác"- LS Nguyễn Đức Chánh nêu ý kiến.
Vinh Nguyễn