Trên ngọn núi Phương Bối (thôn 2, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau nhiều câu chuyện đẹp về một vị tu sĩ trẻ lập am, trồng sim và đi gom những phiến đã nặng cả vài chục tấn về để tạo cảnh và khắc thơ.
Nhưng khi tìm gặp anh, điều hấp dẫn phóng viên không chỉ là những hành động đầy tính nhân văn này. Rất trùng hợp, anh có dung mạo bề ngoài giống hệt Tổng thống Mỹ Barack Obama, một nhân vật nổi tiếng trên chính trường thế giới.
Dị nhân và những việc khác người
Tu sĩ Nguyễn Đức Vân sinh năm 1973 tại Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM). Anh là con thứ 4 trong một gia đình gồm 9 người anh em. Khi Nguyễn Đức Vân lên 6 tuổi, anh cùng với gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối để sống một cuộc sống thanh tịnh.
Nguyễn Đức Vân là con trai của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, một trong bốn quái kiệt của làng thơ văn miền Nam trước năm 1975 (cùng với Bùi Giáng, Thế Phong và Phạm Công Thiện) là những con người vừa tài năng và vừa lập dị.
Lập dị đến mức, có những lần ông nằm lăn trên bờ biển, ngủ quên lúc nào không hay, đến nửa đêm trời mưa ướt hết, thức dậy tự hỏi mình: "Đã đời chưa con?".
Nguyễn Đức Sơn còn được mọi người gọi là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông).
Giờ đây, vị tu sĩ trẻ Nguyễn Đức Vân cũng không kém cạnh gì cha mình, cũng tài hoa, cũng trồng một đồi sim bạt ngàn... để thả hồn mình vào thiên nhiên, cho ra những vần thơ đầy lắng đọng.
Tu sĩ Nguyễn Đức Vân đã được sống cùng với bố mẹ trên những khu đồi núi đầy thơ mộng, nên tâm hồn anh lúc nào cũng hòa quyện cùng với thiên nhiên.
"Ngày ấy, tất cả những vùng đất xung quanh gia đình tôi ở đều là những đồi núi trùng trùng điệp điệp nên tôi yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây hoa lá ngay khi còn rất nhỏ", tu sĩ Nguyễn Đức Vân chia sẻ.
Ngày trước, khi mới bắt đầu lên Lâm Đồng cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, hàng ngày anh cùng với gia đình phải vào rừng hái măng, hái sim, nhặt củi... mang ra chợ đổi gạo.
Đến tối, mấy anh em lại ngồi bên ánh đèn dầu để bố mẹ dạy viết, dạy đọc. Trong 9 người anh em thì anh là người ham học nhất, lúc nào anh cũng muốn được tới trường, tới lớp để học tập vui chơi với bạn bè.
Lên 16 tuổi, bố mẹ anh gửi anh vào một ngôi chùa để anh học tập. Thời gian ở chùa, anh vừa được dạy học văn hóa, vừa được học kinh Phật.
Sau hơn 10 năm, trong một lần về thăm nhà chợt nhìn thấy những bông đót đang đong đưa trên đồi, nước mắt anh bỗng trào ra, những ký ức năm xưa thời cùng gia đình đi lên rừng bẻ măng, hái sim... trên những ngọn đồi bỗng ùa về, anh liền viết ra mấy câu thơ: "Con về thăm lại chốn xưa/ Từng bông đót trổ lay đưa ngợp lòng/ Ôi tháng ngày cũ mênh mông/ Cha con đi bẻ đót đồng hú la...".
Sau lần về thăm nhà ấy, muốn được gần gũi với thiên nhiên hơn nên anh quyết định mua một khu đồi nhỏ để được hòa mình với thiên nhiên, sống lại với những ký ức tuổi thơ.
"Dành dụm được một số tiền nhỏ, tôi quyết định mua một mảnh đất cho riêng mình. Nhưng với một số tiền nhỏ thì chỉ mua được mảnh đất xấu, mảnh đất xấu đến nỗi cỏ còn không mọc nổi và điều đầu tiên trong suy nghĩ của tôi lúc đó là phải làm sao phủ ngay cây xanh, nhưng cây gì sẽ lên nổi khi đất quá xấu?. Và tôi nhớ ngay ra ước mơ hồi bé của mình là sau này sẽ trồng một đồi sim và làm nhà ở đó, thế là tôi bắt đầu đi chặt tre, mua bạt làm lều ở tạm và đi tìm sim về trồng", tu sĩ Nguyễn Đức Vân chia sẻ.
Nhưng lúc bấy giờ, tìm sim cũng đâu có dễ, những gốc sim đã bị người ta đào phá để trồng cà phê, chè, hoa màu hết. Mặc dù khó khăn nhưng anh vẫn không nản chí, ngồi trên chiếc xe Club 81 cũ, vượt qua hàng chục cây số đường rừng đào từng gốc sim để mang về trồng.
Sim là loại cây rễ chùm, cây to nên anh phải đào những gốc sim nặng đến 60kg, rồi chằng lên xe máy chở về trồng.
Có lần mưa gió tơi bời, chở bụi sim về, đường trơn như mỡ, anh bị ngã gãy mấy ngón chân.
Có lúc đi đào sim về tới lều thì trời đã tối vừa mệt, anh đành ngủ cho qua cơn đói lả. Đã biết bao năm anh chỉ ăn cơm với muối hột, có những ngày anh chỉ ăn mấy nắm sim lót dạ.
"Mình tôi đào sim về trồng, cây sim cao hơn người, có bữa mưa trơn, trượt ngã lăn mấy vòng xuống tận dưới kia, phải đi trạm xá băng bó nhưng vẫn mê", tu sĩ Vân tâm sự.
Lúc đầu ai cũng ngăn cản anh trồng sim vì cho rằng trồng sim không có kinh tế và sợ anh đói khổ. Hàng ngày, vị tu sĩ trẻ này vẫn say sưa cuốc đất, hì hục đào hố để trồng sim, thứ cây mà vào thời điểm đó mọi người dân đang phải triệt hạ để trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ai cũng cho rằng vị tu sĩ này có "vấn đề" về thần kinh, người ta phá sim trồng cà phê, chè, hoa màu chẳng được, đằng này anh lại đi trồng sim chỉ để... ngắm hoa, hái quả ăn thay cơm.
8 năm ròng vất vả chăm sóc cho vườn sim, bây giờ vườn sim của anh đã bạt ngàn màu xanh của lá, màu tím của hoa sim, đi giữa vườm sim mùa nở hoa anh cảm thấy thật hạnh phúc vì đã quyết liệt trong mưa gió, sống chết để trồng được đồi sim. Dường như trong anh không bao giờ vơi bớt tình yêu với cây sim.
"Có ông bố dẫn con đến đồi sim hái trái cho nó ăn, và nó cũng tíu tít với bố nó khi thấy hoa nở và trái chín đầy cành. Có bà mẹ buổi trưa đưa con đi học về cũng ghé đồi sim hái trái cho con... và bọn trẻ trong làng vẫn thường đến đồi sim chơi. Nhìn mọi người thích thú trong đồi sim của mình, tôi vui lắm", tu sĩ Vân cho biết.
Gương mặt giống Tổng thống Mỹ
Nói về chuyện anh có gương mặt giống hệt thống Mỹ Obama, Nguyễn Đức Vân cho hay: "Hồi tôi đang đi tìm người hỗ trợ đưa đá về vườn, thì lúc ấy ông Obama ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Lúc đó, tôi đi đâu ai cũng nói tôi giống ông Obama. Nhiều người xin chụp ảnh chung, rồi bạn bè xem truyền hình, xem báo chí về chuyện tranh cử Tổng thống Mỹ lại gọi điện cho tôi, trêu đùa: Chúc mừng ngài Obama đang tranh cử.
Khi ông Obama thắng cử, có một số báo trong nước cũng như nước ngoài đến phỏng vấn và ghi hình tôi. Một số người còn đến nhờ tôi quảng cáo cho mặt hàng của họ. Nhưng tôi thấy không phù hợp với mình nên từ chối. Giờ thỉnh thoảng có người vẫn đến đồi sim xin chụp ảnh cùng tôi".
Đúng là, có nhìn và tiếp xúc với người tu sĩ trẻ Nguyễn Đức Vân mới thấy sự giống nhau đến kỳ lạ. Từ khuôn mặt cho đến những cử chỉ, động tác...
Chỉ khác là bên nửa bán cầu tu sĩ Nguyễn Đức Vân đang quản lý một quả đồi thơ mộng, say sưa ca hát, viết thơ, soạn nhạc, ngao du giữa rừng sim chín mọng của một thi sĩ, tu sĩ tài hoa.
Vị tu sĩ trẻ gọi công trình cuộc đời của mình là "Đồi sim ca dao", anh còn đi tìm những phiến đá về đặt bên mỗi gốc sim, và khắc những câu ca dao tục ngữ lên đó để mọi người đến sẽ cảm nhận thêm về văn hóa Việt qua những câu ca dao, tục ngữ. Giờ đây, đồi sim đã trồng xong, anh em bạn bè cũng đã giúp đỡ nhiều cho anh để đưa những phiến đá lớn về. Khu đồi của anh hiện có hơn 5.000 gốc sim, và có đến 400 tảng đá, có những phiến nặng 30 đến 40 tấn.
Theo Thế Quyết
nguoiduatin.vn