“Ròm” có 7 năm hành trình sóng gió - quay phim kéo dài, không được cấp phép, thắng giải New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Busan, bị Bộ Văn hóa phạt 40 triệu vì “phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến”. Phim phải cắt, chỉnh sửa nhiều lần vì cảnh bạo lực và nhạy cảm, và ngày 31/7 tới, “Ròm” được phát hành trên toàn quốc. Đạo diễn Trần Thanh Huy cùng ekip làm phim trong đó có Anh Tú Wilson hồi hộp chờ đợi phản hồi của khán giả trong nước. Câu chuyện hậu trường của bộ ba Đạo diễn Thanh Huy - Phúc (Anh Tú)-Ròm (Anh Khoa) được cộng đồng thích thú theo dõi.
“Thánh rượt đuổi” mắt biểu cảm
Đạo diễn Trần Thanh Huy từng mất 2 năm để tìm ra Anh Tú Wilson cho vai Phúc đối thủ “không đội trời chung” của Ròm. Tú có đủ điều kiện như chơi parkour, gầy đen, ánh mắt biểu đạt tốt để vào vai giang hồ cò đề, chuyên bán tờ rơi tư vấn cho người chơi đề. Phản xạ parkour đã giúp Phúc có những màn rượt đuổi nghẹt thở chèn ép đối thủ Ròm để giành giật khách.
Nhớ về thời chạm ngõ điện ảnh, Tú kể khó khăn nhất là những lần đầu tiên bước ra mỗi cảnh quay. “Mình không biết đoàn phim hoạt động như nào, quay ra làm sao, thời gian đầu tôi hay bị liếc vào máy quay, bị la miết mới chừa”.
“Có đóng phim mới biết làm phim là công việc khó khăn đi kèm với muôn vàn rắc rối như tiền làm phim, bối cảnh, máy móc, diễn viên, thời tiết...”. Bản thân Tú đóng phim được nửa năm rồi mới dám thổ lộ với gia đình.
Trong mắt Tú, đạo diễn Thanh Huy là hình ảnh người anh đáng ngưỡng mộ. “Anh Huy (sinh năm 1990) ít tuổi hơn cả anh hai của tôi đã làm được những kỳ tích. Phim ngắn “16h30”, đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Và “Ròm” giành giải danh giá nhất tại Busan 2019.
Nếu nói “Ròm” là cả 7 năm thanh xuân với đạo điễnThanh Huy, thì với Anh Tú (vai Phúc) và Anh Khoa (vai Ròm) là hành trình trưởng thành tình bạn. Cả hai đã lớn lên cùng nhau. “Hai anh em cùng nhau làm rất nhiều thứ trong 3 năm vừa qua từ lúc gặp mặt, ăn cùng, ngủ cùng, chơi cùng, đánh nhau cùng, khóc cùng, cười cùng, cùng tất cả mọi thứ”.
Nói về đoạn kết ảm đạm không “happy end” của phim, Anh Tú bày tỏ: “Kết phim theo công thức quen thuộc hay không với tôi không quan trọng, mà quan trọng là trong suốt quá trình xem phim khán giả có cảm thấy những gì nhân vật thấy hay không”. Sài Gòn trong “Ròm” là Sài Gòn của những năm cuối thế kỷ 20, bối cảnh là khu chung cư xập xệ đợi giải tỏa. Cuộc mưu sinh khốc liệt xoay quanh những người dân chơi số đề diễn ra trong không gian cũ kỹ, mà người thời nay nhìn lại có chút nhớ nhung. Với Tú khoảnh khắc lãng mạn nhất phim là đoạn ông Khắc cùng mọi người trong chung cư ăn mừng trúng đề. Mọi người ăn uống ca hát rất vui, mặc dù cảnh đó không có Tú nhưng “bầu không khí lúc đó làm cho tôi cảm được như thế”.
Theo điện ảnh, không bỏ “tình đầu”
Nguyễn Phan Anh Tú sinh ra ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Năm 2002 khi 4 tuổi, Tú cùng gia đình lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ở tuổi 14, Tú phải lòng bộ môn Parkour qua một chương trình TV, tìm hiểu và gia nhập nhóm tập luyện tại công viên Lê Thị Riêng. “Parkour là mối tình đầu của tôi và “hồn tôi từ đó là khúc ca vang trong ngần””.
Trong suốt quá trình 8 năm tập, chàng trai sinh năm 98 từng hai lần bị chấn thương nặng gãy hai cẳng tay trái và khâu 2 mũi trên đầu. Ba mẹ cấm Tú tập parkour nhưng chỉ sau 2 tháng dưỡng thương cậu lén đi tập lại. Vì sự lì lợm và cảm giác bay lộn của Tú tốt nên trong giới hầu như mọi người đều biết đến Anh Tú Wilson của những cú nhảy xa từ điểm A đến B cách nhau hơn 4 mét, tương đương với hơn 15 bước chân.
Nick name Wilson của Tú là do một người anh chơi parkour chung đặt cho cách đây 4 năm, vì quý người anh đó nên Tú giữ tới bây giờ. Trên trang cá nhân, Tú còn một nick nữa là “Cây mơ di động”. “Cây mơ” là vì ngoại hình Tú ốm (gầy) và mọi người hay ví “ốm như cây”, “di động” là nói về việc cái cây này không cố định một chỗ mà có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn, đi đây đi đó để khám phá. “Mơ” là trạng thái thường có của Tú “mỗi lần mơ tôi có thể bỏ đi những lợn cợn xung quanh”.
Tú từng tham dự Khoá học Mùa Thu 2018 để trau dồi kỹ thuật diễn xuất. Sau “Ròm”, Tú được mời đóng hai vai hành động cho phim “Thạch Thảo” và “Đỉnh mù sương”. Là phim võ thuật những có nhiều trường đoạn diễn tâm lý được khán giả chú ý.
Khoản tiền đầu tiên Tú kiếm được từ parkour là 300 nghìn cùng với các anh em khác nhào lộn phụ họa cho các tiết mục trên sân khấu. Tới giờ cát-xê của việc thỉnh thoảng đóng phim và trình diễn chạy sô cũng chỉ đủ lo cho bản thân nhưng quan trọng nhất với Tú là “được học diễn xuất, tập võ phát triển sở trường đóng phim hành động” mà vẫn có thời gian cho parkour.
Thứ đáng giá nhất khi mọi người tập luyện bộ môn “gây lo lắng cho các phụ huynh” này là độ cảm nhận cơ thể rất cao. Trong quá trình tập luyện mình chỉ dùng các chi để tập thậm chí dùng tới cả ngón chân và đốt đầu tiên của ngón tay, sau đó sẽ có được sức khoẻ, kỹ năng để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Cuối cùng là biểu diễn kỹ xảo mang đến sự mạo hiểm và thoát hiểm cùng trong một khoảnh khắc, Tú phấn khích nói về chủ đề đam mê.