Tôi nhớ mãi lúc đó là 10 giờ 15 phút, ngày 27/1/1984, khu vực nhà tôi có rất đông người mặc sắc phục. Tôi ngó ra ngoài phố thấy vắng lặng lạ thường. Thời điểm đó, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng là hậu cứ của tỉnh, nhiều cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các huyện biên giới phía Bắc sơ tán, tập trung sinh sống ở quê tôi rất đông.
Bác Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ và một số sỹ quan quân đội tiết lộ với gia đình tôi: “Trung tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1 ít phút nữa sẽ đến thăm”. Bố tôi khi đó là Trưởng khu Thống Nhất của thị trấn bối rối, tỏ ra lo lắng vì không hiểu sao một vị tướng lừng danh, một trong 34 chiến sỹ đầu tiên trong Đội “Tuyên truyền giải phóng quân” lại tìm đến gia đình tôi...
“Cháu nhớ viết thư, gửi ảnh chụp bác với cháu cho bạn IvonNy để thông báo với bạn quốc tế Cu Ba là Tư lệnh Quân khu 1 đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Trung tướng Đàm Quang Trung
Lát cắt đam mê
Tôi được căn dặn ngồi cùng bố mẹ ở bàn uống nước, có ai hỏi gì thì nói vậy, thỏa mái. Thực ra, tôi cũng không run lắm vì tôi đã từng gặp tướng Đàm Quang Trung một lần. Hồi ấy, thiếu niên nhưng tôi là cộng tác viên của một số báo, tạp chí, đài địa phương, trung ương. Tôi được cấp thẻ “Thông tin viên” báo Quân khu 1 và báo Lạng Sơn.
Trung tướng Đàm Quang Trung đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 1 từ năm 1980 đến 1986. Năm 1984, ông được phong quân hàm Thượng tướng. Từ năm 1987 – 1992 là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ông là Ủy viên BCH Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV – VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, Đại biểu Quốc hội khóa IV - VIII.
Riêng với lực lượng vũ trang, tôi tích cực viết tin, bài, thơ, họa cho các báo “Quân đội nhân dân”, “Quân khu 1”, nội san “Binh đoàn Chi Lăng- Lạng Sơn”. Nhiều bài báo được đăng, tạo sự lan tỏa cho việc kích thích sáng tác cho giới trẻ thời bấy giờ.
Nhiều nhà báo, nhà văn công tác ở tỉnh, Quân khu 1 thường xuyên trao đổi bài vở, góp ý, viết thư tâm tình.
Anh Đặng Vương Hưng, nhà văn, nhà báo, khi đó là Biên tập viên báo Quân khu 1 góp ý cho tôi về cách làm thơ, viết văn, làm báo. Anh Hưng từng công tác tại mặt trận Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, anh và tôi đều là cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng (Lạng Sơn) nên đã quen nhau từ trước.
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội NDVN 22/12/1983, báo Quân khu 1 dành hẳn nửa trang báo để giới thiệu những bài viết của nhóm “Văn nghệ sông Thương”, mà tôi làm Trưởng nhóm.
Tôi có nhiều kỷ niệm làm báo cho lực lượng vũ trang. Nhưng nhớ nhất là vào khoảng giữa tháng 6/1982, tôi nhận được giấy mời tham dự “Hội nghị tổng kết công tác thông tin viên- cộng tác viên báo Quân khu 1”, thời gian tổ chức tới 5 ngày liên tục. Tôi bắt xe đò từ Lạng Sơn sang Bắc Thái (Thái Nguyên bây giờ) và được đón tiếp tại Trạm khách T88 thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 1.
Ngày cuối cùng của Hội nghị tổng kết, cả hội trường sôi động hẳn vì có Trung tướng Đàm Quang Trung tới dự. Tôi ngồi ngay ngắn ở hàng ghế giữa hội trường và khá khuất trong những bộ quân phục màu xanh. Trung tướng Đàm Quang Trung cười tươi bước vào hội trường, vỗ tay chào các cây bút thân thiết. Tôi cảm giác, tướng Trung đã nhìn thấy tôi và ông quay sang hỏi câu gì đó với Tổng biên tập báo Quân khu 1 Nguyễn Duy Quyền và ông nói “Mời cậu bé đó lên đây”.
Tôi hồi hộp ngồi ngay ngắn trên bàn đầu cùng với Trung tướng Đàm Quang Trung. Ông ân cần động viên “Cháu nhỏ tuổi mà đã là Thông tin viên là giỏi rồi. Cố gắng học tập và sáng tác tốt nhé”. Hôm đó, tại bữa ăn, tôi lại được ngồi cạnh tướng Trung, ông gắp thức ăn cho tôi với những ánh mắt trìu mến.
Bài học đầu đời
Trở lại sự việc Trung tướng Đàm Quang Trung đến thăm nhà tôi. Tôi biết được, buổi sáng cùng ngày, đoàn chỉ huy cấp cao của Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lạng Sơn, khi đó sơ tán ở khu vực Đồng Bành, cách thị trấn Đồng Mỏ chừng 4km.
Khi tướng Trung đến trước cửa nhà, tôi nhận ra ông ngay bởi tác phong bệ vệ, oai phong trong bộ quân phục đại cán nhưng bước đi nhanh nhẹn. Trung tướng cùng 2 sỹ quan bảo vệ lần lượt bắt tay bố mẹ tôi và quan chức địa phương có mặt. Ông ngồi sát tôi rồi ân cần hỏi: “Cháu vẫn khỏe chứ? Dạo này sáng tác được nhiều không?”.
Tôi lí nhí báo cáo Trung tướng mà tim cứ đập thình thịch, nó khác xa với lần gặp trước tại Bắc Thái. Tướng Trung nhấp chén nước chè xanh rồi nói: “Bác vừa có chuyến thăm, làm việc tại đất nước Cu Ba xinh đẹp. Kết thúc hội đàm, Trung tướng, Tư lệnh binh chủng ra đa nước bạn có thay mặt con gái mời bác đến nhà chơi vì cô bé biết cháu đang sinh sống, học tập trong địa bàn Quân khu 1”.
Tôi ngớ người ra và thoáng hiểu. Không chỉ cộng tác bài vở với các báo trong nước, ngày ấy tôi còn viết văn, làm thơ gửi cộng tác với báo ảnh “Phụ nữ Liên Xô” và đã được đăng bài. Báo ảnh này xuất bản bằng 14 ngôn ngữ và phát hành rộng rãi trên thế giới, nhất là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Nhờ có địa chỉ đăng kèm trên báo ảnh và trong bối cảnh nhân dân và học sinh các nước có nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam chống lại cuộc chiến phi nghĩa của quân Trung Quốc xâm lược. IvonNy là nữ Đội viên ưu tú của Đội Thiếu niên tiền phong Cu Ba đã thường xuyên viết thư, trao đổi với tôi.
“Bác được bạn IvonNy kể về cháu rất nhiều. Trước lúc chia tay, bạn ấy có gửi cho cháu huy hiệu, bưu thiếp, thư và một cái cặp tóc bằng vàng. Đáng lý, bác đã chuyển cho cháu sớm hơn song do bận công tác nên hôm nay mới thực hiện được. Cháu nhớ viết thư và cảm ơn bạn ấy nhé, thể hiện bác đã hoàn thành nhiệm vụ”, Trung tướng Đàm Quang Trung căn dặn.
Tôi xúc động đón lấy món quà phương xa mà lòng tràn lên bao xúc cảm. Tôi đỏ mặt vì bạn IvonNy đã nhầm tưởng tôi là nữ nên đã gửi chiếc cặp tóc xinh xắn. Trung tướng Đàm Quang Trung cho gọi phóng viên báo Quân khu 1 đến chụp ảnh ông với tôi và thêm một lần nữa ông nhắn nhủ, khi có ảnh thì gửi tới bạn Cu Ba một vài tấm hình để bạn quốc tế biết, an tâm.
Những cử chỉ, hành động chu đáo, trách nhiệm của Trung tướng Đàm Quang Trung làm cho những người có mặt xúc động và tôi thấy đó là bài học sâu sắc.