Từ không quen biết, 4 cô gái tuổi đôi mươi rủ nhau cạo tóc khi tình nguyện đi chống dịch

TPO - Những cô gái tuổi xuân thì "rủ nhau" thay đổi diện mạo, cùng chung một điểm đến, một mục tiêu - giúp sức cho thành phố dập dịch. 

Từ những người không quen biết đến "rủ nhau" cạo tóc

Gặp nhau ở TPHCM từ những miền đất khác nhau, nhóm 6 cô gái là Nguyễn Thị Mến (sinh năm 2000, quê ở Nam Định); Nguyễn Trần Ngọc Lan (sinh năm 2000, quê ở Bến Tre); Trần Ngọc Bích Phương (sống ở TP HCM); Phạm Thị Thùy Trang (sinh năm 1996, sống ở TP HCM); Lê Thị Đài Trang (sinh năm 1995 quê ở Bình Thuận); Phan Thị Sang (sinh năm 1998, quê ở Ninh Thuận) cùng tham gia góp sức với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch từ ngày 22/7 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Quận 9, TP Thủ Đức).

Thành viên lớn tuổi nhất nhóm - chị Đài Trang nói vui rằng: "Tuy chị em chúng mình không quen biết nhau từ trước nhưng việc hội tụ một phòng, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nhau trong những ngày làm nhiệm vụ tại tâm dịch có lẽ là do nhân duyên".

Từ cùng ăn, cùng ở rồi "rủ nhau" cạo tóc để khi làm nhiệm vụ đỡ bị nóng và vướng, 4 trong 6 cô gái trên đã quyết định đánh đổi vẻ đẹp ngoại hình, cạo tóc xong mới dám thưa chuyện với bố mẹ.

Vì tóc của Mến nuôi lâu mọc, Sang thì gia đình có việc nên không cạo được tóc. Còn 4 thành viên khác đều cùng nhau "thay đổi diện mạo".

"Mẹ mình khóc khá nhiều, thậm chí không dám nhìn mình mỗi lần gọi điện video bởi mẹ mình luôn quan niệm, con gái có mái tóc dài để đi lấy chồng, giờ cạo sạch thì sẽ ra sao?”, Thuỳ Trang bộc bạch.

Chia sẻ thêm với Tiền Phong, bạn Ngọc Lan bày tỏ: “Mình được chứng kiến hình ảnh các anh chị khác trong đoàn cũng cạo trọc tóc nên lấy đó làm tấm gương, rồi cùng nhóm bạn rủ nhau cạo tóc. Ban đầu có hơi phân vân nhưng vì nhiệm vụ chống dịch cao cả hơn nên mình và nhóm bạn cũng không ngần ngại mà cạo, hy vọng phái mạnh sẽ nhận ra được vẻ đẹp bên trong của mình (cười)”.

Đoạn tin nhắn của Bích Phương và mẹ. Khi được con thông báo về việc đã cạo tóc, Phương bất ngờ khi mẹ còn khen: “Yêu quá, con vẫn đẹp”.

“Mình không suy nghĩ nhiều, chỉ nghĩ đến việc tóc hơi vướng trong quá trình làm việc, rất mất thời gian cho việc gội đầu và phải đợi tóc khô rồi mới được đi ngủ. Mình nghĩ tóc rồi cũng mọc dài lại thôi, vào đây rồi ai mặc đồ bảo hộ cũng như ai, không ai biết mặt nhau như thế nào nữa, chỉ nhận dạng nhau qua ánh mắt, cử chỉ, và hành động. Cạo rồi mình mới báo cho gia đình biết, như là mọi chuyện đã rồi”, nữ tình nguyện viên Đài Trang nói.

Học là sự nghiệp cả đời, chống dịch thì phải gấp rút

6 cô gái trẻ đều đến từ các trường cao đẳng, đại học khác nhau, có người đã đi làm nhưng đều tạm gác lại và ưu tiên công việc đi chống dịch lên hàng đầu. Có người chuẩn bị tốt nghiệp đại học, phải làm báo cáo khóa luận tốt nghiệp nhưng đã xin phép thầy cô nộp trễ để lên đường đi tình nguyện…

Và họ đều có chung câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao lại tạm gác công việc cá nhân”, bởi “Học là sự nghiệp cả đời, chống dịch thì phải gấp rút”.

Công việc của các cô gái này tại Bệnh viện Hồi sức (TP Thủ Đức) được chia thành 3 ca, 4 kíp. Mỗi ngày, khi tới nơi làm việc, nhóm sẽ mặc đồ bảo hộ, vào ca, đi một lượt xem các phòng bệnh nhân cần gì, thay tã, lấy nước, bón ăn, lau người, dọn dẹp vệ sinh các phòng bệnh và thu gom rác cho bệnh nhân.

Những ngày đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên các bạn tình nguyện viên này khá bỡ ngỡ khi mặc đồ bảo hộ. Do không đi vệ sinh, ăn uống trước nên thời gian đầu nhóm còn bị mất nước và khó chịu bởi phải nhịn mọi nhu cầu trong bộ đồ “xông hơi di động”.

Ngọc Lan thẳng thắn nói: “Một khi đi tình nguyện, mình không sợ bị nhiễm bệnh nhưng lại sợ ảnh hưởng tới mọi người. Bởi, bản thân đi hỗ trợ phụ giúp mọi người nhưng lại để mọi người chăm lại mình - điều mình và nhóm sợ hơn là việc bị nhiễm bệnh”.

Những câu nói hài hước, nickname mang dấu ấn, những lời thủ thỉ được ghi lại đằng sau chiếc áo bảo hộ như toát lên vẻ lạc quan và tinh thần hăng hái của các cô gái trẻ.

Bất ngờ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, 6 cô gái trẻ cảm thấy thật may mắn vì được mọi người động viên, tiếp thêm năng lượng để tiếp tục cống hiến.

Theo dự kiến, nhóm sẽ kết thúc đợt tình nguyện vào 22/9 nhưng nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì họ sẽ tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ.

Khép lại những chia sẻ vội vàng trong giờ nghỉ ngơi cuối ngày, Lê Thị Đài Trang nói: “Mình đã lường trước được những rủi ro trước khi tham gia chống dịch. Mình mong muốn, khi các bạn trẻ đọc được dòng tâm sự này, hãy đăng ký tham gia các chương trình thiện nguyện giúp ích cho đời, cho người và cả cho bản thân mình bởi chúng ta có sức trẻ”.