Tự do hóa lãi suất và bước tiến đáng ghi nhận trong luật Dân sự

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó có Điều 468 quy định về lãi suất cho vay trên thị trường.
Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa – TTXVN.

Mặc dù áp cứng một mức trần lãi suất không quá 20%/năm của khoản tiền vay nhưng Bộ Luật Dân sự đã để ngỏ một “lối đi” riêng cho các tổ chức tín dụng được phép thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Sau rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc nên bỏ ngay hay bỏ có lựa chọn câu chuyện trần lãi suất cho vay quy định trong Bộ luật Dân sự, tại phiên làm việc ngày 24/11 vừa qua, Quốc hội khóa 13 đã chính thức bấm nút thông qua quy định quan trọng này.

Theo đó, tư duy tích cực theo hướng tiến tới thực hiện tự do hóa lãi suất đã được thể hiện rõ tại Điều 468 với nội dung: … trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Điều khoản này, vừa bao hàm được mục đích chống cho vay nặng lãi trong các hoạt động vay mượn trong dân sự - lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, vừa đảm bảo các tổ chức tín dụng vẫn được phép thực hiện cơ chế thỏa thuận lãi suất theo quy định tại luật chuyên ngành - trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Đánh giá cao về việc Quốc hội đã quyết định thông qua Điều 468 của Bộ Luật Dân sự sửa đổi, giới luật sư, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực chống tội phạm cho rằng, những sửa đổi này được xem như là một “cây gậy” quan trọng, vừa giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hành vi cho vay nặng lãi, tín dụng đen trá hình trong các hoạt động dân sự, vừa tạo điều kiện cho hoạt động của ngành tài chính ngân hàng được phát triển theo xu thế tự do hóa lãi suất, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo phân tích của giới chuyên gia, một thực tế hiển nhiên là lãi suất chính là thước đo của quan hệ cung - cầu, là “giá” của đồng vốn nằm trong bối cảnh các tác nhân tác động lên nó. Trong trường hợp một khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có uy tín, thương hiệu, có dự án kinh doanh khả thi và tài sản thế chấp - hay còn được gọi là khách hàng đạt chuẩn, thì khi vay vốn có thể được tổ chức tín dụng “áp” một mức lãi suất hợp lý, hai bên cùng có lợi và đồng hành lâu dài. Nhưng đối với khách hàng mà các tiêu chí đánh giá độ an toàn đều yếu hơn, mục đích sử dụng vốn có nhiều tính rủi ro hơn, thì tổ chức tín dụng buộc phải áp mức lãi suất cao hơn là điều đương nhiên. Do vậy, việc áp trần lãi suất không quá 20%/năm của khoản tiền vay chỉ phù hợp với các giao dịch vay mượn dân sự giữa các cá nhân hoặc tổ chức tự phát (không có sự bảo hộ của pháp luật) mà không phù hợp với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô, hợp tác xã…, vốn chịu sự quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng luôn cần phải đảm bảo sự linh hoạt theo cơ chế thị trường bởi khi có món vay có tính rủi ro cao, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro tương ứng, đồng nghĩa với việc một khoản tiền bị “nằm bất động” song vẫn phải trả lãi huy động. Hoặc khi món vay đó khách hàng không có khả năng trả nợ, tổ chức tín dụng buộc phải thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi, thì chi phí cho các thủ tục thanh lý tài sản rất cao, cũng phải được tính toán trong “giá thành” của vốn - tức lãi suất. Bên cạnh đó, quan hệ cung cầu và cạnh tranh lành mạnh của thị trường tiền tệ sẽ quyết định mức lãi suất thế nào là hợp lý trong từng giai đoạn, từng bối cảnh, sẽ không có tổ chức tín dụng nào tự thân nâng lãi suất để phải chịu cảnh “một mình một chợ” khiến khách hàng bỏ đi.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, dù chưa thể bỏ ngay quy định về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này song với “cái đuôi” - trừ trường hợp luật khác có quy định liên quan khác - Điều 468 đã cho phép các tổ chức tín dụng được hoạt động theo luật chuyên ngành. Đây thực sự là một bước tiến mới trong xây dựng luật ở nước ta, đảm bảo lộ trình tiến tới tự do hóa lãi suất theo đúng quy luật của thị trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.