Hôm qua 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn. Đây cũng là một xu hướng.
Theo ông Nhạ, trong thực tế đã dành 20% ngân sách để đầu tư giáo dục, nhưng yêu cầu nâng cao chất lượng. Với số lượng tuyệt đối chưa nhiều, vai trò tham gia đóng góp của xã hội, trong đó đặc biệt doanh nghiệp là rất lớn. Đây là bài học thành công của nhiều nước, ví dụ Hàn Quốc, Trung Quốc có sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, theo các nguồn thống kê không chính thức, hàng năm số học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng cũng rất nhiều. Số tương tự mất khoảng 3, 4 tỷ đôla dưới dạng các kinh phí khác nhau.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, về cơ bản so với mặt bằng chúng ta phải yên tâm là chất lượng tương đối, nhưng giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt chứ không phải tất cả nhưng về cơ bản chất lượng giáo dục đại học thấp và không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nhất là cuộc cách mạng 4.0.Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có những nguyên nhân thuộc ngành.
“Trước hết, chương trình đào tạo chưa thực sự sát với thị trường, chưa phải nghiên cứu xây dựng chương trình theo đúng yêu cầu, căn cứ từ thực tiễn và điều kiện đảm bảo chất lượng. Giáo viên, cơ sở chật vất, tài chính cũng rất nhiều vấn đề”- Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ngoài ra, so sánh các nước mà Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đối với các trường đại học nhìn chung tỷ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên rất cao, cỡ 40 đến 50 thậm chí có những nước 70. Còn của ta đến giờ chưa được 23% trên toàn ngành, rất thấp.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, về cơ sở vật chất phần lớn trường đại học chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu. Về tài chính mặc dù rất cố gắng nhưng vẫn thấp. Suất học phí một năm đối với sinh viên bình quân có 630 đôla, trong đó tương tự ngành như vậy ở các nước như Mỹ là 19.000, New Zeland và Úc là 17.000, ngay cả Trung Quốc cũng 3.500.
“Như vậy, với một chi phí có thể nói là thấp thì chất lượng giáo dục đại học rất khó mong đợi là cao”- Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
TS Hoàng Ngọc Vinh: Bộ trưởng Giáo dục cần có hành động mạnh mẽ hơn
Qua phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước các đại biểu quốc hội, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp- Bộ GD&ĐT) mong đợi Bộ trưởng có hành động mạnh mẽ hơn.
TS Vinh cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ LĐTBXH triển khai quy hoạch mạng lưới các trường THPT và cơ sở GDNN để thực hiện GDNN ở trên địa bàn cấp huyện để phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả, đồng thời cung cấp giáo viên GDNN có chất lượng cho các trường nghề.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ LĐTBXH triển khai Khung trình độ quốc gia, thực hiện các cam kết với ASEAN về công nhận trình độ lẫn nhau và thúc đẩy học tập suốt đời...Về phương diện chính sách pháp luật Bộ trưởng sớm nhận định về các định hướng phát triển GD&ĐT trong 5,10 năm tới khi cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ tác động đến việc dạy, học và tổ chức giáo dục trong kỷ nguyên số như thế nào?
Về tình trạng chất lượng đại học thấp, TS Vinh cho rằng, chi phí giáo dục của ta thấp hơn nhiều các quốc gia phát triển. Tài chính đầu tư trên đầu một sinh viên rất thấp chỉ bằng 1/30-40 so với các nước thuộc OECD...
"Chi phí thấp lại muốn nhiều người được học ĐH, mà đòi hỏi nâng cao chất lượng là việc không khả thi... Vì thế, cần chi tiêu cho giáo dục hợp lý, tránh thất thoát, tinh giản chương trình giáo dục giảm bớt những nội dung không thiết thực, cắt giảm chi phí quản lý, biên chế do còn Bộ chủ quản..."- TS Vinh nhấn mạnh.
Về việc người Việt Nam đổ 3-4 tỷ cho con du học ở nước ngoài, TS Vinh cho biết, cần có các chương trình chất lượng cao, chi phí cao và làm sao lấy lại lòng tin của xã hội vào giáo dục thì hy vọng góp phần hạn chế chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài...