> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
Tổ chức tọa đàm vào thời điểm cuộc thi còn 3 tháng nữa là kết thúc mà không phải là trước (để giới thiệu) hoặc sau khi giải diễn ra (để tổng kết), có lẽ để mong một kết thúc có hậu.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, không ít lần nhắn nhủ báo chí thông tin giúp để nhiều người biết đến cuộc thi hơn nữa.
Báo Văn Nghệ cũng bày tỏ kỳ vọng rằng sẽ có “tác phẩm vụt sáng một cách bất ngờ ở phút 89”, bởi hiện tại, theo nhiều nhà phê bình thì chưa thấy đỉnh cao trong những sáng tác đã gửi đến.
Làm sao để xã hội đoái hoài?
“Cuộc thi có chất lượng nhưng sao tiếng vang không lan rộng ra ngoài xã hội được?”, nhà văn Khuất Quang Thụy băn khoăn. Vế “chất lượng” thì còn phải chứng minh thêm, nhưng vế sau thì đã rõ.
Theo nhà phê bình Cao Việt Dũng, sức hút của các cuộc thi truyện ngắn đang ngày càng đi xuống. “Cuối những năm 80, đầu những năm 90 có thể coi là thời kỳ vàng của các cuộc thi truyện ngắn ”.
Có cảm giác nền văn học của ta lâu nay đứng im không chuyển động. Có vẻ như các tác giả mới cảm thấy những gì cần nói đã nói hết, các mẹo viết người ta cũng đã dùng hết. Mà kinh hãi nhất là thời buổi này mà vẫn có người viết văn
Sương Nguyệt Minh nửa đùa nửa thật ví dụ: “Nhớ cách đây nhiều năm, Đỗ Bích Thúy được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Văn Nghệ Quân Đội. Mới đầu ít ai để ý, sau đó Lê Lựu khen cho một câu, đại ý: Đất nước có hai nhà văn nữ, một ở Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc là Đỗ Bích Thúy, một ở tít tận mũi Cà Mau là Nguyễn Ngọc Tư. Câu này được nhiều nhà báo ghi lại, và 10 năm sau khi viết về Đỗ Bích Thúy, họ vẫn trích câu đó vào”.
“Tất nhiên Đỗ Bích Thúy đoạt giải xứng đáng, nhưng có lẽ cuộc năm nay chính vì chưa có ông nhà văn nổi tiếng nào đứng ra khen cả nên chưa có cái tên mới nào được chú ý”.
Có thể coi đây là câu nói đùa, nhưng là một thực tế. Nhiều khi văn chương cũng cần đến danh tiếng có được vì những lý do ngoài trang viết. Nếu biết cách sử dụng nhiều cách tác động để “bẩy” văn chương lên, về mặt ảnh hưởng với xã hội, thì cũng không tệ.
Trong tọa đàm, vài ý kiến nhắc Ngô Phan Lưu như một phát hiện của cuộc thi năm 2007, sau đó nổi tiếng và được báo chí nhắc nhiều. Theo Nguyễn Khắc Trường thì: “Năm đó Ngô Phan lưu được giải cũng không có dư luận gì nhiều, trong báo Văn Nghệ có ai khen đâu. Sau đó Dạ Ngân khen nên người ta mới ồ lên và tìm đọc. Kiểu như: Ồ, cái truyện đấy được giải à!
Không thể sót truyện hay vì… ít quá
Sương Nguyệt Minh đọc khá nhiều, quan tâm chất lượng của cả mảng truyện ngắn Việt Nam đương đại chứ không riêng cuộc thi này. Anh kể: “Bây giờ cái hay thì chúng tôi không thể nào bỏ sót được.
Chúng tôi đọc cả mục truyện ngắn trên Thanh Niên Cuối Tuần, Văn Nghệ Công An, Tạp chí Nhà Văn để xem có những truyện ngắn hay không, thì thấy… cũng không có”.
Cao Việt Dũng cũng băn khoăn về chất lượng tác phẩm dự thi được chọn in trên báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ: “Có những truyện rất non tay, thậm chí không xứng đáng qua vòng sàng lọc. Chẳng hạn, Hoa nước mắt chẳng khác gì các truyện ngắn đăng trên báo Hoa Học Trò. Những truyện như vậy làm cho mặt bằng chung của cuộc thi bị giảm sút”.
Đáp lại, Sương Nguyệt Minh nói: “Có thế nào dùng thế đó. Không có truyện hay thì phải in những truyện trung bình”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặt câu hỏi: “Có truyện nào gai góc, đăng lên thấy run tay không?”.
Câu trả lời của ban chung khảo là không. Nhà phê bình Thanh Tùng nói rõ hơn: “Tôi thấy các tác giả truyện ngắn bây giờ thừa tinh tế, thiếu can đảm. Tinh tế hiểu theo nghĩa là vòng vo, khéo léo về câu chữ. Thiếu can đảm ở chỗ không dám viết những gì khiến người đăng lên thấy gai cả người. Hình như ai cũng tự biên tập mình quá kỹ lưỡng. Không có ý tưởng nào thực sự xốc vác, vạm vỡ”.
Đọc truyện ngắn mệt hơn tiểu thuyết
Đó là ý kiến của Cao Việt Dũng. Anh nói: “Tôi rất ngại đọc truyện ngắn, nó…dài và có cảm giác sẽ không được như mình mong chờ. Đọc 3 truyện ngắn thấy còn mệt hơn đọc cuốn tiểu thuyết 200 trang.
“Không hiểu có sự thay đổi gì về chất lượng truyện ngắn trong 20 qua hay không, bởi theo tôi, truyện ngắn trong thời cuối 80, đầu 90 ít nhưng phần lớn gây được tiếng vang. Chỉ cần một truyện thành công thì sẽ giúp báo Văn Nghệ tạo được cơn sốt. Nhưng đã lâu lắm rồi, không có nhà văn nào làm được điều đó”. Ý kiến này được nhiều người đồng tình.
Cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của báo Văn Nghệ bắt đầu từ tháng 2-2011, sẽ kết thúc vào 1-2-2013. Tháng 1-2012, BTC sơ kết chặng một, trao thưởng cho 12 tác giả có truyện dự thi hay như: Chu Thùy Anh, Văn Chinh, Phùng Hy, Uông Triều…