> Cụ bà sống ở gốc đa, nuôi con bệnh hiểm nghèo
Nhường đất, dựng lều
Thị trấn Thạnh Mỹ huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) có những khu vườn ở thôn Dung được người dân gọi là Vườn Ươm.
Vườn Ươm không phải ươm mầm cây cỏ, mà ở đó bao lớp học sinh dân tộc vùng cao ngày tháng dài ươm mầm con chữ, nuôi ước mơ đổi thay cuộc đời.
Những túp lều, đơn sơ tạm bợ, không cửa ngõ ở khu vườn ẩm thấp dưới những tán lồ ô, không một bóng người hôm chúng tôi đến.
Chị chủ nhà chạy ra niềm nở: “Anh tìm gặp các em à? Phải chờ đến gần tối mới gặp. Các em đi học rồi. Đứa không học thì lên rẫy kiếm rau, ra suối bắt cá, tối mới về”.
Mặt trời gác núi, khu Vườn Ươm bắt đầu đỏ đèn vang tiếng cười nói của học sinh. Trong những túp lều, ánh điện mờ yếu ớt. Bếp bắt đầu đỏ lửa.
“Mẹ chẳng nhớ nổi có bao nhiêu đứa đến đây dựng lều nuôi chữ. Chỉ nhớ Vườn Ươm bắt đầu có từ cách đây gần chục năm khi trường THPT Nam Giang được xây dựng. Con em đồng bào vùng xa về đây xin ở nhờ. Rồi dần mọi người quen gọi là Vườn Ươm” - cụ Zơ Rum Thị Nhím (70 tuổi, thôn Dung) nói.
Cụ Nhím nhớ lại, lúc đầu cô học trò Zơ Rum Thị Hời, lấm lem bùn đất đến xin nhà cụ ở cách đây đúng 10 năm. Thương cô trò nhỏ hiếu học, lặn lội gần 70km xuống thị trấn ăn học chỉ vẻn vẹn một bộ áo quần.
Cụ Nhím và con cái vào rừng chặt tre, kiếm lá lợp, dựng căn chòi đầu tiên cho Hời trọ học.
Thấy Hời có chỗ ăn học, nhiều phụ huynh tận Đắc Pring, Đắc Pre, La Ê, La Dê...? dẫn con em xuống nhà cụ Nhím để xin dựng lều ăn học. Một, hai, rồi năm, mười em tìm đến nhà cụ xin tá túc trong căn lều. Đông quá.
Những căn lều tiếp tục được dựng ở ngay trong vườn nhà cụ. Số lượng lán trại ngày càng tăng. Lớp học sinh này ra trường, lại có các em khác. Khu vườn của cụ Nhím đã có gần 10 căn lều.
“Cái Hời giờ là cán bộ huyện rồi đó. Thỉnh thoảng về thăm mẹ và các em. Mấy đứa lớn ra trường đi học nghề, cao đẳng, đại học ở dưới Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội lần nào về cũng ghé thăm mẹ. Thấy tụi nó lớn, học hành, có công việc mẹ vui lắm” - cụ Nhím cười nói.
Cạnh nhà cụ Nhím, khu vườn của anh Alăng Năm cũng có gần chục chiếc lán nhỏ nằm san sát nhau như tổ chim dựng lên bằng tranh nứa.
Anh Năm tâm sự: “Các em chủ yếu là học sinh người dân tộc Ve ở cách trường gần nhất cũng 50 km đường núi. Không có tiền thuê trọ, đành dựng lán lều lên để ở. Có nhiều em nghèo đến mức không mua nổi bộ áo quần mới nên mình cũng phải gắng mua cho các em. Không giúp được gì, mình nhường đất cho các em dựng lều ở tạm vậy thôi”.
Bắt ốc, hái rau rừng
Những căn lều chủ yếu dựng bằng tre nứa. Mùa nắng tha hồ nắng rọi, nóng nực. Mùa mưa, gió lùa hun hút. Thế nên, các em cố gắng dựng lều gần nhau hơn để cản bớt gió lạnh của mùa đông.
Ghé túp lều cuối góc Vườn Ươm, cậu học trò Un Thơm người dân tộc Ve đang nấu cơm khi ba bạn khác còn học ca chiều chưa về. Thơm năm nay học lớp 11, nhà ở tận thôn 58 xã Đắc Pre giáp ranh nước bạn Lào.
Để lên thôn chỉ có cách đi bộ gần một ngày đường. Căn lều trống hoác, độc nhất chiếc giường tre nơi bốn em ngủ và học bài bờ tường treo hai chiếc nồi bé tí.
Cùng chung túp lều với Thơm là Chơ Rum Điệp, Chơ Rum Thêm, Hiên Chơm cũng ở thôn 58. Chiều nay, các bạn đi học, Thơm ở nhà nấu ăn. Thơm xin được quả đu đủ xanh. Bữa cơm tối của 4 em chỉ có món đu đủ xào.
Thơm bẽn lẽn: “Cũng no ạ. Hôm nào gạo trên nhà chưa kịp gửi xuống thì tụi em phải đi mượn. Nhưng cũng được một hai bữa vì các bạn giống chúng em, gạo đâu có nhiều”.
Hằng tháng, gia đình gửi 20 kg gạo cho mỗi em, ngoài ra không có gì khác. “Một tháng chúng em được nhà trường cấp 100 ngàn đồng theo chế độ. Cuối tuần rủ nhau lên rẫy, ra suối kiếm rau rừng, bắt cá, ốc về nấu” - Un Thơm nói.
Un Thơm mồ côi mẹ từ tấm bé, chị gái và em trai đã nghỉ học, theo bố đi rẫy. Để theo học đến cùng, gần 2 năm nay, Thơm và các bạn, xoay xở từng bữa ăn.
Theo chân Thơm qua túp lều bên cạnh, đôi bạn nữ Zơ Rum Bình và Hiên Thị Vân học sinh 11 đến từ xã Đăc Pring, đang nhặt rau rừng, nấu cơm tối. Thức ăn của hai em cũng độc mỗi món rau rừng.
Bình và Vân trông xanh xao gầy ốm. “Tụi em ăn uống khổ quen rồi. Trưa mai tụi em sẽ có cá, ếch, nhái ăn đó”, vừa nói Bình vừa chỉ tay qua lều bên cạnh, nơi ba bạn nam đang chuẩn bị lưỡi câu cho chuyến câu đêm. Ở đây, các em đã sớm quen với cuộc sống tự lập.
Cây khế bên túp lều đang lấp ló trái, Thơm reo lên sung sướng: “Có khế để nấu canh, nấu với cá suối rồi”. Niềm vui chợt vụt mất khi được hỏi về ước mơ: “Xong cấp 3 chắc em về quê đãi vàng anh ạ. Nhà em nghèo lắm”. Ước mơ làm bác sĩ của Thơm và gần 30 bạn cùng hoàn cảnh nơi đây vẫn rất xa.
Người dân thôn Dung nhớ mãi câu chuyện buồn của em Zơ Râm Thị Nhiên ở Đăc Pre ngoan, học giỏi mới xảy ra năm ngoái đây. Chỉ vì bất cẩn, lều bị cháy, khi em đang ôn thi đại học.
Tư trang, sách vở, cùng món tiền gia đình em tích góp để em làm lộ phí đi thi chốc lát thiêu rụi, Nhiên khóc ròng một ngày, rồi về lại quê nhà.
Trên nền cũ, lều mới lại được dựng lên, còn Nhiên nghe đâu đã lấy chồng, còng mình trên nương rẫy...
“Trường không phải là trường dân tộc nội trú nên không có kinh phí. Kí túc xá không đủ chỗ, nên các em đành ra ngoài dựng lều học trọ.
Thương các em lắm. Em nào khó khăn thì nhà trường vận động thầy cô giúp, nhưng cũng chỉ là cân gạo, cân muối mà thôi”. - Cô Đinh Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng trường THPT Nam Giang
Học sinh bỏ học hàng loạt
Cần Thơ, Quảng Nam - Báo cáo của các sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL cho biết, kết thúc học kỳ 1 đã có hơn 17.400 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,76%. Trong đó, bỏ học tỷ lệ cao nhất là khối THPT với 6.614 học sinh chiếm 1,82%.
Kết thúc học kỳ I, trường THPT Nam Trà My có 141 học sinh tự ý bỏ học, trong đó khối lớp 10 có tới 115 em (32,7%). Nguyên do chính là sức học các em quá yếu, chưa thông thạo phép cộng trừ đơn giản.
Đầu năm học, toàn trường THPT Nam Trà My (huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam) có 678 học sinh, đến hết kỳ I chỉ còn 537 em.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng, cho biết: “Trường tìm mọi cách để giữ chân học sinh, như cấp gạo, tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao, nhưng các em vẫn bỏ học nhiều”. - Ngọc Huyền -Nguyễn Thành