Sức sống mới ở Trường Sa
Trường Sa đổi thay nhiều lắm, cả về diện mạo và thế trận, lòng dân. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, nơi đây đã có thêm nhiều công trình mới về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh.
Tôi nhớ phác họa ấy trong phát biểu của Đại tá Đặng Văn Cảnh - Trưởng đoàn Chính trị tàu Kiểm ngư 491 tại Lễ tưởng niệm, tri ân anh hùng, liệt sỹ hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, tổ chức tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma chiều ấy. Đó cũng chính là bức tranh về cuộc sống đang đổi thay từng ngày của quân và dân trên quần đảo Trường Sa mà chúng tôi - những người ra đảo hôm nay cảm nhận, chứng kiến.
PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Mặc dù xa đất liền hàng trăm hải lý, bốn bề là biển trời mênh mông, quanh năm vươn mình chống chọi nắng gió, nhưng đến với các đảo nổi và đảo chìm, nhà giàn DKI, chúng tôi vẫn thấy màu xanh yêu thương, những cây, con rất đỗi thân thuộc của đất liền. Đó là những vườn rau xanh tốt, những trái cây xum xuê, những đàn gà vịt, những con lợn mũm mĩm. Thân thương hơn, ấm tình người, nặng tình quê hương hơn nữa là những tiếng trẻ nô đùa trên sân trường tiểu học của các đảo, đang dần tạo nên những thế hệ con cháu quê hương ở Trường Sa…
Còn tôi, tôi lại nhớ hình ảnh những chiến sỹ trẻ bồng súng đứng gác trang nghiêm ở đảo Cô Lin, Đá Tây B… giữa cái nắng chói chang và gió biển mặn rát! Và hình ảnh huy hiệu Đoàn rực đỏ trên ngực áo hải quân của chiến sỹ Phạm Quang Phú, Trần Sinh Sắc đều đang tuổi đôi mươi ở đảo Sinh Tồn sáng ấy mới đẹp làm sao!
“Được cống hiến tuổi trẻ của mình để bảo vệ biển đảo quê hương là vinh dự lớn trong đời quân ngũ của em. Khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền em sẽ học tại Trường Sỹ quan Chính trị, tiếp tục con đường binh nghiệp” - Phú tâm sự. Lúc chia tay em gửi gắm “nếu anh viết về đảo, nhớ gửi báo cho mẹ em ở quê nhé, để mẹ đỡ nhớ em hơn! Số điện thoại của mẹ là: 0916…136”.
Kỷ niệm vô giá, ngọt ngào
Buổi chiều thị trấn Trường Sa, tôi được cậu em mới quen lúc vào viếng chùa Trường Sa đưa đi thăm đảo. Bên âu tàu, cây phong ba cổ thụ vẫn đứng vững chãi, hiên ngang. Mặt trời đỏ lựng như chiếc nong lặn dần xuống biển. Tôi bỗng nhớ sự tích Bọc trăm trứng học từ thời tiểu học, thủơ Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên rừng, Cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con về biển.... Có phải cha ông ta từ thủơ hồng hoang dựng nước, “bao đời gây nền độc lập”, thì biển đảo đã là máu thịt của Mẹ Việt Nam rồi!
Đại úy Phạm Thanh Tùng, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Nam Định nói với tôi, gặp cán bộ, chiến sỹ, người dân ngày đêm bám đất, bám biển, anh rất khâm phục. “Em muốn truyền lửa chuyến đi này tới tuổi trẻ Công an Nam Định và tuổi trẻ tỉnh nhà. Em cũng muốn lan tỏa tình yêu biển đảo thông qua chương trình tình nguyện hướng về biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng” - Đại úy Tùng chia sẻ.
Gắn bó với đoàn suốt chuyến đi, Đại tá Lê Hoàng Việt, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Hải quân đánh giá: “Qua thực tế chuyến đi thăm động viên, tặng quà quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI, chúng ta thấy rõ hiệu quả to lớn và rất thiết thực của phong trào cả nước hướng về Trường Sa thời gian vừa qua”.
Tôi biết chắc rằng, mỗi người đến Trường Sa sẽ mang về những kỷ niệm thật đẹp: Những chiếc kẹo ngọt ngào người chị tặng các em nhỏ và cả người chiến sỹ trên đảo. Quả bàng vuông gửi về đất liền. Chữ ký nắn nót của người giữ đảo trên sổ tay và lá quốc kỳ. Chiếc vỏ ốc, vỏ sò từ lòng biển sâu, viên đá san hô, lá tra, bàng vuông tưởng vô tri… nhưng về đất liền lại thành kỷ vật vô giá.
Người từ đất liền còn mang theo những câu chuyện riêng của mình, để kể với Trường Sa. Như cây đàn Ukulele trên đôi vai của chị Hồ Thị Việt Hà (Báo Chính phủ.vn) tặng các chiến sỹ đảo Đá Đông B. Còn hình ảnh nào đẹp hơn khi mỗi chiều lính đảo hát tình ca với cây đàn Ukulele ấy và sóng biển hòa nhịp để gửi về đất liền nỗi nhớ của các anh!
Khi viết bài này, tôi cứ nghe đi nghe lại đoạn phỏng vấn Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk. Mỗi khi nhắc đến Trường Sa chị lại nghẹn ngào. “Đến mỗi đảo, tôi đều có một cảm xúc khác nhau. Mỗi cảm xúc ấy đều chứa đựng sự khát khao và mong muốn của tôi trong rất nhiều năm tháng tuổi trẻ. Đặc biệt đến Trường Sa, khi dự lễ chào cờ, tôi đã khóc! Tôi khóc vì quá hạnh phúc. Nghe 10 điều tuyên thệ của chiến sỹ ở Trường Sa tôi vô cùng xúc động. Chính giây phút đó, tôi nghĩ rằng mình cần phải sống khác hơn, nỗ lực hơn theo một cách tích cực hơn, để xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các chiến sỹ ở Trường Sa…” - Chị Niê Thanh Mai nói với Tiền Phong.
“Đến với Trường Sa, chúng ta càng thấy trân trọng từng tấc đất, đụn cát, rặng cây, hòn đá… hiên ngang giữa biển trời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, chúng tôi có một niềm tin tất thắng vào ý chí quyết tâm, tinh thần nghị lực, một lòng trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của cán bộ, chiến sĩ ta…”
Phó GS.TS Dương Trung Ý
Đặc biệt nữa là chiếc mũ Chiến sỹ Điện Biên (biểu tượng “quyết chiến quyết thắng”) anh Bùi Xuân Dự, Vụ trưởng Vụ Thư ký - biên tập Văn phòng Chính phủ mang từ Điện Biên Phủ về Hà Nội, rồi vượt triệu con sóng tặng cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn.
Xúc động nhất có lẽ là giây phút chia tay cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thị trấn đảo Trường Sa. Những bàn tay người trên tàu, người dưới cầu cảng giơ lên vẫy chào, xa dần, xa dần, rồi lẫn vào đêm. Những tiếng hô nghe rất rõ rồi tan vào sóng biển và tiếng còi tàu rời bến ngân lên thật dài…
“ Trường Sa vì Tổ quốc! Tổ quốc vì Trường Sa …! Tạm biệt đất liền! Tạm biệt Trường Sa… !”