Trường nghề lạc quan, đại học e dè

Liên bộ GD-ĐT và Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành dự thảo hướng dẫn đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng (CĐ) nghề lên CĐ, đại học (ĐH) chuyên nghiệp. Trong khi các trường nghề hồ hởi bởi hi vọng việc này sẽ “cởi trói” cho trường thì không ít trường ĐH lại tỏ ra dè dặt, băn khoăn.
Học sinh Trường trung cấp nghề Khôi Việt thực hành pha chế . Ảnh: Minh Giảng (Tuổi Trẻ)

>> Đào tạo nghề: ít đầu vào, khó đầu ra
>> Trường nghề được liên thông lên đại học

Học sinh Trường trung cấp nghề Khôi Việt thực hành pha chế . Ảnh: Minh Giảng (Tuổi Trẻ).

Theo số liệu tại các trường nghề, những năm gần đây, số lượng học sinh các trường tuyển được liên tục giảm. Đầu vào trường nghề gặp rất nhiều khó khăn dù các trường đã mở rộng quảng bá, tư vấn đến tận các trường THPT.

Ông Hà Kim Vọng - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Khôi Việt (TP.HCM) - cho biết, trong ba năm gần đây, số lượng học sinh nhập học vào trường giảm liên tục. Năm 2008 tuyển được 615 học sinh, năm 2009 giảm còn 390 và đến nay chỉ tuyển được hơn 100 học sinh.

Tương tự, số học sinh nhập học vào Trường trung cấp nghề du lịch Sài Gòn năm 2008 là 1.504, năm 2009 giảm còn 1.030 học sinh. Năm 2010, dù được nâng cấp thành CĐ nghề nhưng tình hình cũng chưa thật sự khả quan.

Hào hứng đón nhận

Liên thông cùng ngành nghề

Đầu tháng 7-2010, liên bộ GD-ĐT và Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành dự thảo hướng dẫn đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ nghề lên CĐ, ĐH chuyên nghiệp.

Theo đó, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và CĐ nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH, theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.

Ngay cả Trường CĐ Nghề TP.HCM - một trường nghề được trang bị cơ sở vật chất tương đối tốt và giải quyết được bài toán đầu ra - cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Không những thế, tỉ lệ “rơi rụng” trong quá trình học là không hề nhỏ.

Đại diện Trường trung cấp nghề kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng cho biết, dù tuyển đầu vào đảm bảo chỉ tiêu nhưng tỉ lệ học sinh nghề bỏ học lên đến 50-60%. Tỉ lệ này tại Trường trung cấp nghề Nhân Đạo khoảng 30%.

Một số trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp tuyển sinh hệ nghề cũng không khá hơn là mấy. Ông Lâm Thành Hiển, phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết tuy trường có tuyển đào tạo trung cấp và CĐ nghề nhưng tuyển không được bao nhiêu. Một trong những lý do được các trường nghề đưa ra để lý giải cho những khó khăn hiện nay là việc “bí” đường liên thông lên ĐH.

Chính vì thế, thông tin được liên thông từ trung cấp, CĐ nghề lên CĐ, ĐH chuyên nghiệp khiến nhiều trường nghề như mở cờ trong bụng. Thạc sĩ Lê Quốc Bình - phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM - hào hứng: “Lẽ ra dự thảo này phải được đưa ra sớm hơn để có thể sớm ban hành chính thức”.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn - nhấn mạnh: “Thực hiện việc liên thông sẽ giải quyết được hai vấn đề học sinh, sinh viên nghề có nghề nghiệp vững vàng để có thể làm tốt công việc của mình - sinh viên ĐH ít thực hành hơn nên tay nghề có thể chưa thật sự tốt - và thỏa mãn được mong muốn về bằng cấp của phụ huynh, học sinh cũng như nhu cầu học nâng cao của học sinh. Chuyện học tập là bình đẳng, không nên chỉ cho học sinh học nghề học lên tới bậc CĐ rồi thôi”.

Ông Lâm Thành Hiển lạc quan: “Việc được phép liên thông không chỉ mở lối ra cho người học nghề mà còn giúp các trường đào tạo nghề có thể tuyển sinh và đào tạo tốt hơn”.

Vẫn còn băn khoăn

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH công lập lại tỏ ra không mặn mà với việc liên thông này. Lý do được đưa ra rất nhiều. Một phần vì phải mất nhiều thời gian xin phép, xây dựng chương trình đào tạo, phần vì quá tải trường lớp, giảng viên.

Theo dự thảo, các trường CĐ, ĐH có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, tỉ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, CĐ nghề với chương trình đào tạo CĐ, ĐH của cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - TS Nguyễn Tiến Dũng thận trọng: “Đúng là nhu cầu liên thông từ nghề lên ĐH là rất lớn. Tuy nhiên việc liên thông này còn nhiều điều đáng bàn. Liên thông không chỉ là đầu ra cho sinh viên trường nghề, chỉ để có bằng ĐH mà còn phải chú ý đến chất lượng. Không thể vì nhu cầu người học mà liên thông ồ ạt, tuyển sinh dễ dãi.

Hơn nữa, đào tạo liên thông từ nghề đòi hỏi trang thiết bị thực hành rất nhiều chứ không thể đào tạo chay. Trường đã đào tạo khối K từ lâu và cũng dự định không mở thêm ngành liên thông. Trường chỉ đào tạo liên thông những ngành xã hội cần chứ không chạy theo số lượng”.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn tại TP.HCM cho biết, việc liên thông từ bậc trung cấp, CĐ chuyên nghiệp lên ĐH đã khiến trường hoạt động hết công suất. Để liên thông từ hệ nghề phải đối chiếu, xây dựng chương trình sao cho sinh viên không phải học lại những gì đã học và đảm bảo khối lượng kiến thức cần thiết nên sẽ mất rất nhiều thời gian.

Hơn nữa, phòng ốc, giảng viên cũng đòi hỏi trường phải tính toán sao cho hợp lý. Nếu quy mô đào tạo phình quá to thì chất lượng sẽ khó kiểm soát. Thạc sĩ Lê Quốc Bình lại có ý kiến cho rằng học liên thông là nhu cầu chính của người học. Các trường không thể vì khó khăn này nọ mà không thực hiện, như vậy sẽ gây khó cho sinh viên cũng như bản thân các trường nghề.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

Theo Báo giấy