>> Quyền lực & sáng tạo
>>Bạn đọc Tiền Phong nói về bộ sách giúp biết đọc, viết sau 4 tháng
Tin vào phản biện xã hội
Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Văn Huyên được thành lập năm 1997. Ngay từ thời điểm đó, nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày dù mô hình ấy còn xa lạ với hầu hết trường phổ thông trên cả nước. Mặc dù Bộ GD&ĐT khuyến khích mô hình học 2 buổi/ ngày nhưng nội dung dạy và học buổi thứ hai vẫn do các trường tự quyết. Có nơi, buổi học thứ hai thậm chí chỉ là việc trông trẻ an toàn, có tổ chức.
Trường Nguyễn Văn Huyên đã xây dựng và đưa vào giảng dạy chương trình làm giàu kiến thức, giá trị, kỹ năng sống ở buổi học thứ hai.
PGS-TS Nguyễn Bích Hà (con gái cố GS-TS Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên) Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong gần 15 năm qua, tôi đã sưu tầm rất nhiều tài liệu tham khảo, từ đó chọn lọc những nội dung thích hợp để đưa vào chương trình làm giàu kiến thức của nhà trường.
Trong số những tài liệu tôi sưu tầm có bộ sách giáo khoa thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại. Tôi rất trân trọng tư duy và công nghệ của giáo sư. Bản thân tôi có con và cháu - hai thế hệ - học trường thực nghiệm, được thụ hưởng trực tiếp những thành quả vượt trội của nền giáo dục tiên tiến này. Do đó, khi biết tin nhóm Cánh Buồm biên soạn sách, tôi tìm đến họ”.
Nhóm Cánh Buồm bắt đầu làm việc trực tiếp với học trò lớp một trường Nguyễn Văn Huyên từ ngày 1-8-2010. Trường dành hẳn cho nhóm một phòng làm việc. Mỗi tuần có mặt tại trường vào chiều thứ hai và thứ sáu, họ trực tiếp đứng lớp và giáo viên của trường ngồi dưới cùng học sinh.
“Nhóm Cánh Buồm và chúng tôi gặp nhau nhiều điểm trong tư duy và phương pháp. Chúng tôi cùng chung mối quan ngại về chất lượng dạy học nói chung. Đặc biệt, chúng tôi cùng tin tưởng vào cái mới và phản biện xã hội”, cô Bích Hà nói.
Ấn tượng tốt
Nhận xét về những buổi làm việc của nhóm Cánh Buồm, các giáo viên trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Văn Huyên đều đưa ra những ý kiến tích cực. Cô giáo Tạ Thị Thuần Tuý kể: “Mỗi lần các giáo viên nhóm Cánh Buồm lên lớp tung ra nhiệm vụ, học sinh rất phấn khởi”.
Theo các cô giáo, thời điểm này sách của Cánh Buồm mới đưa vào thử nghiệm nên họ chỉ muốn im lặng quan sát để học hỏi. “Học trò tỏ ra rất thích học vì các em thấy rất vui vẻ. Sách được biên soạn đúng tinh thần mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra từ cách đây hơn 30 năm: thầy thiết kế, trò thi công, nghĩa là thầy giao nhiệm vụ và cho phép trò phát biểu ý kiến của mình”, một giáo viên nói.
Khi so sánh với sách giáo khoa hiện hành, các giáo viên cho biết thời điểm này khó nhận thấy bộ nào hơn bộ nào. “ Dù sao chương trình đại trà rất phù hợp với học sinh trung bình. Còn sách của Cánh Buồm có phù hợp với đa số các em không, rất khó nói, vì nó chỉ mới được dạy vài tiết/ tuần với hình thức hoạt động câu lạc bộ.
Nếu Bộ GD&ĐT cho phép có những lớp thử nghiệm, chỉ học chương trình của nhóm Cánh Buồm thì mới có cơ sở để so sánh. Chuyên dạy về Tiếng Việt và Văn, tôi nhận thấy, nếu dùng để bổ trợ thì sách của Cánh Buồm có cái hay là dạy âm, dạy chữ, dạy phần đầu, phần vần nên trẻ con sẽ sáng tạo hơn một chút và học ít quên”, cô Tuý nhận xét.