Trường đại học sẽ 'đắt hàng' đào tạo tiến sĩ?

TP - Những điều chỉnh liên quan tiêu chí bài báo khoa học trong quy chế đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT ban hành (Thông tư 18) đang nhận được nhiều ý kiến tranh cãi. Hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, người ký ban hành quy chế này, trao đổi với Tiền Phong quan điểm của Bộ về những điều chỉnh trên.
Quy chế đào tạo tiến sĩ chỉ là những tiêu chuẩn sàn để các trường đại học đưa ra quy định của mình. Ảnh: Diệp An

+ Theo Thông tư 18, một trong những yêu cầu đối với nghiên cứu sinh là bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Tiêu chí này đang tạo ra sự băn khăn của một số nhà khoa học vì họ cho rằng là bước thụt lùi so với Thông tư 08 (2017). Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Thông tư 08 ra đời để siết chặt đào tạo tiến sĩ trong nước, phù hợp tại thời điểm 2017. Qua 4 năm, bối cảnh đã thay đổi, tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH được nâng lên theo luật và trong cả thực tiễn. Thông tư 18 trước hết tiếp cận ở góc độ tôn trọng tự chủ học thuật, đề cao vai trò trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và giới chuyên môn.

Thông tư 18 đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở GDĐH và tất cả các ngành, trên cơ sở đó các cơ sở GDĐH có trách nhiệm ban hành quy chế của mình, trong đó hoàn toàn có thể quy định tiêu chuẩn cao hơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Về yêu cầu công bố khoa học, Thông tư 08 yêu cầu nghiên cứu sinh (NCS) có thể chỉ cần 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài ở hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện mà không quy định hội thảo quốc tế nào, tạp chí của nước nào và có uy tín đến đâu. Trong thực tế có nhiều tạp chí nước ngoài không được một số hội đồng ngành của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) chấp nhận. Thông tư 18 đã quy định bài báo tạp chí nước ngoài, báo cáo tại hội nghị quốc tế phải nằm trong danh mục Scopus hoặc WoS.

Từ góc độ của một văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư cần phải đưa vào cả tạp chí khoa học trong nước, cụ thể ở đây là những tạp chí được HĐGSNN quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 trở lên. Thông tư mới còn quy định NCS phải là tác giả chính và có tổng điểm công trình từ 2,0 trở lên, trong khi theo thông tư cũ có khi NCS chỉ cần có tên trong 2 bài báo tạp chí nước ngoài bất kỳ (có phản biện).

+ Ông có thể lý giải thêm căn cứ nào để Bộ GD&ĐT đưa ra điều chỉnh này? Tại sao không phải là 1 bài báo trong nước, 1 bài báo nước ngoài với những quy định chặt chẽ hơn?

- Căn cứ thứ nhất là dựa trên thực tiễn. Chúng ta đều biết làm NCS trong nước hiện nay rất vất vả vì thiếu nhiều điều kiện nghiên cứu và hỗ trợ tài chính so với các nước phát triển. Khả năng công bố quốc tế đối với các ngành, lĩnh vực cũng rất khác nhau.

Bên cạnh đó, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của NCS từ 3-4 năm, trong khi để ra được kết quả mới nhiều khi phải mất 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Việc gửi đăng các bài báo ở các tạp chí có uy tín quốc tế thường mất nhiều thời gian, thực tế sẽ gây khó khăn và rủi ro cho NCS.

Theo thống kê từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị đào tạo ngành khoa học xã hội đứng đầu cả nước, trong 10 năm (2010-2020) có trên 2.000 công bố khoa học liên quan đến đề tài luận án, tiến sĩ nhưng chỉ có 50 công bố quốc tế, tức khoảng 2,5%.

Căn cứ thứ hai là tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Mặc dù theo thông lệ quốc tế, việc NCS phải có những công bố có giá trị trước khi bảo vệ luận án là một chuẩn mực nhưng rất ít quốc gia có văn bản pháp quy về việc này, mà mỗi cơ sở GDĐH, các khoa chuyên môn sẽ tự chủ quyết định.

Hiện nay, vấn đề yêu cầu công bố quốc tế đối với NCS cũng còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học quốc tế (xem loạt bài “PhDs under publication pressure” tại địa chỉ www.nature.com/collections/ijfdfjhjef). Nếu chúng ta lên mạng tra cứu sẽ thấy rất nhiều trường ĐH nổi tiếng của châu Âu hay Mỹ không có quy định cứng.

Một số trường ở châu Á, như Trường ĐH Malaya của Malaysia trước kia có quy định chung có tất cả các ngành, nhưng từ năm 2017-2018 đã có sự phân biệt giữa các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; theo đó, các ngành khoa học xã hội đã không yêu cầu tuyệt đối bài báo quốc tế ISI, Scopus.

Thương hiệu của các trường quyết định chất lượng đào tạo

+ Nhưng HĐGSNN năm nào cũng có tranh luận về việc lựa chọn các tạp chí để cho điểm. Căn cứ trên đánh giá của Hội đồng liệu có ổn, theo ông?

- Các cơ quan quản lý nhà nước cần đặt niềm tin vào các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, song việc các nhà khoa học, các hội đồng thuộc các lĩnh vực khác nhau không thống nhất được các tiêu chuẩn chung cũng là khó tránh khỏi.

Yêu cầu đầu tiên khi Bộ GD&ĐT xây dựng thông tư là phải có những biện pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, trong đó yêu cầu về công bố khoa học chỉ là một trong những chỉ số thể hiện năng lực của NCS. Chất lượng đào tạo tiến sĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yêu cầu đầu vào, người hướng dẫn, quá trình tổ chức đào tạo, thời gian dành cho học tập, nghiên cứu và sự nỗ lực của NCS là những yếu tố quan trọng nhất.

Đây là quá trình NCS tham gia vào nghiên cứu, tham gia sinh hoạt học thuật tại bộ môn, được tiếp thu ý kiến phản biện, được trao đổi học thuật với các nhà khoa học, được đánh giá một cách công bằng. Vai trò của giới khoa học, từ đơn vị chuyên môn tới các phản biện kín, thành viên hội đồng đánh giá luận án đều đóng vai trò quan trọng để bảo đảm chất lượng.

+ Ông có cho rằng với quy chế mới, các trường ĐH bình thường lại “đắt hàng” đào tạo tiến sĩ hơn các trường ĐH lớn?

- Tương tự như câu chuyện khi bỏ điểm sàn ĐH, nhưng thực tế đã không xảy ra như những gì đã lo lắng trước đó. Các trường đào tạo tiến sĩ để phát triển nghiên cứu và nâng cao thương hiệu. Thương hiệu của mỗi trường sẽ quyết định sự lựa chọn của NCS và thành công của mỗi nghiên cứu cũng sẽ góp phần tạo nên thương hiệu của mỗi trường.

Thông tư mới cũng đưa ra nhiều quy định rất chặt chẽ, yêu cầu NCS phải làm việc toàn thời gian và tập trung nghiên cứu như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu tại cơ sở đào tạo. Tôi tin rằng, sẽ chỉ có những người thực sự có năng lực và quyết tâm mới sẵn sàng chấp nhận lựa chọn con đường bước vào nghiên cứu khoa học vất vả và khó khăn như vậy.

Cảm ơn ông.