Nhiều hội có tiền nhưng không thể tiêu
Báo cáo tình hình hoạt động văn học nghệ thuật từ năm 2021 đến nay, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - cho biết các hội VHNT chuyên ngành T.Ư đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành.
“Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tạo lập bầu không khí lành mạnh trong xã hội”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, thiếu sót. Ông Đỗ Hồng Quân nhận định trong các năm qua chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao tạo được sự lan tỏa sâu rộng.
Một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ hội chưa rõ ràng. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt việc đầu tư cho VHNT chưa tương xứng, nhiều hội VHNT chuyên ngành còn lúng túng về kinh phí hoạt động.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - mong muốn những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế giải ngân năm 2024 nhanh chóng được giải quyết để tiếp thêm sức mạnh, điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến cho nền VHNT nước nhà.
Bà Thu Đông mong mỏi sự ra đời của đề án về phát triển VHNT giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để VHNT phát triển ổn định, không phải ăn đong từng năm và luôn bị động như hiện nay.
GS.TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho rằng vấn đề kinh phí cho các hội được đề cập nhiều lần nhưng không thể không nêu. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ngoài tính nghệ thuật còn cần đầu tư nhiều cho nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Quyết định 558/QĐ-TTg, hội có tiền nhưng không tiêu được.
“Chúng tôi cần nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều. Mỗi công trình nghiên cứu, sưu tầm được đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Riêng tiền đi lại đến những bản làng xa xôi, ăn uống cũng chiếm một khoản lớn. Kinh phí đề xuất từ năm 2020 nhưng đến năm 2022 mới tiêu được. Phần kinh phí của năm 2024 đến nay mới được nhận”, GS.TS. Lê Hồng Lý nêu.
Việc đề xuất kinh phí cho hội cũng khó khăn do sự không rõ ràng, chồng chéo về đơn vị quản lý, chi tiền. Vấn đề chi tiền trao thưởng cho các hoạt động của hội cũng có nhiều bất cập.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Không chỉ mong muốn được hỗ trợ về kinh phí hoạt động, người đứng đầu các hội VHNT chuyên ngành cũng bày tỏ nguyện vọng Nhà nước tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn trong việc kết hợp đầu tư công - tư.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết để thực hiện giải Cánh diều, hội được cấp khoảng 600-800 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ trả cho dàn giám khảo, giải thưởng, cúp và chi phí truyền hình trực tiếp. Vì vậy, để tổ chức lễ trao giải và các hoạt động khác liên quan đến giải Cánh diều, Hội Điện ảnh Việt Nam phải huy động nguồn lực xã hội hội hóa.
“Năm nay là năm thứ ba chúng tôi đưa giải Cánh diều về Nha Trang. Giải thưởng lúc này không chỉ đơn thuần là hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn của những nhà làm phim mà trở thành một ngày hội, thu hút du khách, góp phần kích cầu du lịch”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nêu.
Định mức cụ thể về kinh tế - kỹ thuật là một trong những vướng mắc mà các hội gặp phải. Với nguồn kinh phí định mức đã có, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đề xuất cho phép các hội chịu trách nhiệm và có sự điều tiết phù hợp để động viên sức sáng tạo của các nghệ sĩ.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ Quốc hội đã giao Chính phủ xem xét, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp về chính sách thuộc lĩnh vực VHNT.
Đối với một số hạn chế xuất phát từ thực tế phát triển VHNT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VHTTDL đã nhận diện vấn đề và tham mưu, sửa đổi, đề xuất những giải pháp linh hoạt. Trong thời gian tới, các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện thúc đẩy sự phát triển của VHNT Việt Nam.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cùng các hội VHNT chuyên ngành T.Ư.
Ông đề nghị phải quán triệt sâu sắc những nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Việc này sẽ tạo sự thống nhất trong Đảng, nhân dân, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT, quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ.
Việc đầu tư cho VHNT tránh dàn trải, cần sự phân bổ hợp lý, đồng thời chú trọng đến cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân.
Không thể ngồi chờ
Một số đại biểu nhận định trong lúc chờ đợi các cơ chế được tháo gỡ, người đứng đầu các hội VHNT cần chủ động lập kế hoạch cụ thể cho từng hạng mục, hoạt động trong từng năm. Việc này hạn chế thời gian "chết" để chờ các văn bản tháo gỡ. Không thể cứ gặp vấn đề cơ chế là phải xây dựng luật, để giải quyết các vấn đề trước mắt, cần đề xuất, thực hiện các dự án ngắn hạn để dự tính các khả năng, trường hợp có thể xảy ra.