Kết thúc vòng đàm phán, chính quyền Trump sẵn lòng hoãn áp khoản thuế 150 tỷ USD lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc không phải hy sinh gì nhiều ngoài cam kết mua thêm hàng từ Mỹ, và tránh được những hạn chế của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc muốn mua hàng công nghệ cao.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc. Và các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn rất dễ trở thành mục tiêu nếu Mỹ ra cú đấm một lần nữa.
Nhưng vòng đàm phán gần đây nhất cho thấy một Trung Quốc tự tin có thể chiến thắng trận đấu với một chính quyền Mỹ đầy chia rẽ. Trong khi ông Trump từng tuyên bố “các cuộc chiến thương mại là tốt và dễ chiến thắng”, nhưng các cố vấn của ông có thể nhận ra rằng giành được sự nhượng bộ từ Trung Quốc khó hơn nhiều so với kỳ vọng của họ.
Báo chí nhà nước Trung Quốc tranh thủ ngay chiến thắng này, tuyên bố rằng một thách thức mạnh mẽ từ Mỹ đã bị gạt sang một bên. “Dù ở Bắc Kinh hay Washington, trước những đòi hỏi không hợp lý của Mỹ, chính phủ Trung Quốc luôn kiên quyết đấu tranh, không bao giờ thỏa hiệp và không chấp nhận những hạn chế do bên kia tạo ra”, hãng thông tấn Xinhua viết trong bài bình luận đăng hôm 20/5.
Một cách thể hiện táo bạo về quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc là việc đăng hai bức ảnh sau đó được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nước này. Một đoạn viết được Đoàn thanh niên Trung Quốc chia sẻ (nhưng sau đó xóa đi). Bức ảnh còn lại được chụp trong các cuộc đàm phán thương mại ở Washington để ca ngợi sự trẻ trung của đoàn Trung Quốc trước các nhà làm luật Mỹ. Một bức ảnh khác (được chụp từ năm 1901) là hình ảnh đối ngược khi đại diện Trung Quốc và các cường quốc ký hiệp ước chấm dứt phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, một sự kiện bị coi là sự nhục nhã đối với Bắc Kinh.
Hôm 21/5, ông Trump bảo vệ cách làm của mình, cho rằng cuộc đàm phán đã thành công. Ông viết trên Twitter rằng các rào cản “sẽ được hạ xuống lần đầu tiên” và Trung Quốc sẽ “mua hàng từ các nông dân Mỹ vĩ đại với số lượng nhiều như mức họ có thể sản xuất”.
Sự thành công của Trung Quốc trong cuộc đàm phán vừa qua một phần nhờ sự nhất quán theo đuổi một chiến lược thương mại. Ngay cả khi Bắc Kinh thể hiện sẵn sàng muốn đối thoại và đề xuất các hợp đồng nhập khẩu nhiều tỷ đô la thì nước này cũng quyết không cam kết mức giảm cố định khoảng cách thương mại với Mỹ. Mất cân bằng thương mại giữa hai nước thực tế đã lớn hơn kể từ khi ông Trump thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái và chứng kiến lễ ký các thỏa thuận mà theo đó Trung Quốc sẽ nhập thịt bò, máy bay và nhiều loại hàng hóa khác từ Mỹ.
Bắc Kinh cũng không thay đổi sáng kiến Made in China 2025, một chương trình hiện đại hóa công nghiệp mà Washington và các nhóm nhà đầu tư Mỹ phàn nàn là nguyên nhân buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ tốt nhất của họ và có thể tạo nên những đối thủ được chính phủ Trung Quốc bảo trợ.
Truyền thông Trung Quốc im lặng về những dấu hiệu Trung Quốc có thể nhượng bộ để đối lấy việc chính quyền Trump cam kết giúp đỡ ZTE sau khi hãng này bị Mỹ cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Triều Tiên và các nước khác.
Lệnh cấm bán các loại chip và các linh kiện sản xuất ở Mỹ cho ZTE khiến nhà xưởng của hãng này phải dừng hoạt động. Nhưng sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ giúp ZTE để cứu vãn việc làm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ có thể trở nên tồi tệ hơn. Giới chức Mỹ đang điều tra liệu một hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc là Hoa Vĩ có vi phạm các biện pháp cấm vận thương mại của Mỹ hay không. Dẫu vậy, Trung Quốc có rất nhiều thế mạnh trên bàn đàm phán.
Liên tục đổi giọng
Các quan chức thương mại Mỹ có kinh nghiệm nhiều hơn trong vấn đề luật thương mại, còn Trung Quốc có một đội đàm phán nhỏ nhưng gắn kết và phải báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một bạn thân lâu năm của ông Tập Cận Bình.
Ngược lại, Mỹ thay đổi đòi hỏi của mình và vật lộn với việc đưa ra một thông điệp nhất quán.
Những chia rẽ bên trong bị bộc lộ trong đợt đàm phán này. Ông Mnuchin nói buổi sáng rằng các biện pháp thuế đang được hoãn thực hiện. Ngay trong ngày hôm đó, ông Robert E. Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, đưa ra một tuyên bố nói: “Trong khi quá trình này đang diễn ra, Mỹ có thể sử dụng mọi công cụ pháp lý để bảo vệ công nghệ của chúng tôi bằng chính sách thuế quan, hạn chế thương mại và điều tiết xuất khẩu”.
Trong tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, ông Trump và các cố vấn thương mại dọa sẽ áp thuế trừ khi Bắc Kinh đồng ý không bao cấp dài hạn cho ngành công nghệ cao.
Nhưng Tổng thống Mỹ sau đó đổi sang giọng hòa giải.
Các cố vấn chính sách tài chính của ông mà dẫn đầu là Bộ trưởng Munuchin muốn cắt giảm một khoản thâm hụt thương mại cố định là 200 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc. Nhưng nhóm đàm phán Trung Quốc không chịu, và cuối cùng hai bên đưa ra tuyên bố chung nói rằng hai bên không cam kết mức nhượng bộ cụ thể nào.
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc trao đổi danh sách các hàng hóa bổ sung mà Trung Quốc có thể mua để giảm thâm hụt thương mại. Nhưng Trung Quốc chỉ cam kết tiếp tục mua một lượng lương thực và nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn từ Mỹ. Điều này được phản ánh trong thông cáo chung đưa ra sau đàm phán.
Mỹ công khai ràng buộc các cuộc đàm phán thương mại với vấn đề Triều Tiên. Ông Tập gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một tỉnh miền đông bắc Trung Quốc cách đây 2 tuần. Không rõ hai người bàn với nhau những gì, nhưng ông Trump tuần trước nói rằng Trung Quốc có thể đã gợi ý để ông Kim dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump dự kiến vào ngày 12/6.
Trong khi các chuyên gia còn có ý kiến chia rẽ về ảnh hưởng của ông Tập thì cách hiểu của ông Trump về mối liên hệ giữa cuộc gặp của lãnh đạo Trung – Triều với lời đe dọa của Bình Nhưỡng cho thấy vấn đề Triều Tiên có thể khiến các quan chức Mỹ không muốn đối đầu quá gay gắt với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.
Bắc Kinh có thể thấy việc đồng ý với yêu cầu của Mỹ là không thể. Mỹ chỉ xuất lượng hàng trị giá 130 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc. Tìm thêm hàng Mỹ để mua nhằm giảm mức thặng dư thương mại 200 tỷ USD của Trung Quốc với Mỹ sẽ là điều cực kỳ khó, trừ khi Trung Quốc tự cắt giảm hàng hóa của họ xuất sang Mỹ.
“Điều này là không thực tế, và nếu các quan chức Trung Quốc đồng ý, họ sẽ đối mặt với nhiều áp lực dư luận”, ông Tu Xinquan, giám đốc Viện nghiên cứu Tổ chức Thương mại thế giới thuộc ĐH Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, đánh giá.