Ngày 23/10, khi được hỏi về khả năng thành lập một liên minh như vậy tại Câu lạc bộ Valdai - diễn đàn về các vấn đề quốc tế diễn ra tại Nga, ông Putin nói: “Chúng tôi luôn tin rằng quan hệ giữa hai nước đã đạt tới mức độ hợp tác và tin tưởng như vậy, và dù không cần thiết, nhưng điều đó chắc chắn có thể tưởng tượng được, về lý thuyết”.
Một số nhà quan sát Trung Quốc nhấn mạnh rằng dù ý tưởng này khó xảy ra, nhưng nói về điều đó cũng có thể coi là dấu hiệu thiện chí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi được hỏi về phát biểu của ông Putin đã nói: “Không có giới hạn nào đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Nga và không có lĩnh vực hạn chế nào để hai bên mở rộng hợp tác”.
Những phát biểu đó được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi. Cùng ngày ông Putin có phát biểu trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu nhân 70 năm chí nguyện quân Trung Quốc sang tham chiến ở bán đảo Triều Tiên nói rằng quân đội Trung Quốc quyết tâm đánh bại kẻ xâm lược và cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ nước này.
Các chuyên gia Trung Quốc không mặn mà với ý tưởng liên minh này.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự và nhà bình luận Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng Trung Quốc và Nga không cần xây dựng một liên minh quân sự, vì quan hệ hợp tác giữa hai nước độc lập về chủ quyền và an ninh quốc gia sẽ phát triển lành mạnh hơn. Hợp tác quân sự Trung - Nga, chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và trao đổi nhân lực, đã phát triển lên mức rất cao trong những năm gần đây, ông Song đánh giá.
Ông Cui Heng, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Nga tại ĐH Hoa Đông, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng mô hình liên minh quân sự phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giờ đã không còn nền tảng, và quan hệ Trung - Mỹ và Mỹ - Nga chưa đến mức độ mà một bên cần liên minh với bên nữa. “Hợp tác và không liên minh sẽ tốt hơn cho Trung Quốc và Nga”, ông Cui nói.
Theo giới phân tích, dù một liên minh như vậy khó thành hiện thực, nhưng gợi ý đó được coi là dấu hiệu rõ ràng về tinh thần đoàn kết trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị bầu cử, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden đang khẳng định mình là người xử lý tốt nhất thách thức mà Trung Quốc và Nga đặt ra.
“Cả Trung Quốc và Nga đều là mục tiêu chỉ trích trong bầu cử tổng thống Mỹ, và ông Putin đang cố thể hiện quan hệ đó vững chắc như thế nào”, SCMP dẫn lời ông Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải.
Hoài nghi
Có những thông tin nói về việc các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, trong các cuộc nói chuyện riêng với giới chức Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về Trung Quốc.
Trong cuốn sách Rage nói về chính quyền Trump ra mắt gần đây, tác giả Bob Woodward kể rằng nhà lãnh đạo Nga trong cuộc điện đàm với ông Trump vào tháng 4 năm nay đã gọi Trung Quốc là “quốc gia ngoài tầm kiểm soát lớn nhất hành tinh”. Thông tin này không xuất hiện trong thông cáo chính thức về cuộc điện đàm.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết trong cuốn hồi ký The Room Where It Happened (Căn phòng nơi điều đó xảy ra) rằng bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu nói với ông rằng Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung giữa Nga và Mỹ đã không còn nhiều tác dụng vì Trung Quốc tăng cường phát triển công nghệ này từ năm 1987.
GS Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh và là cố vấn cho Hội đồng nhà nước Trung Quốc, cho rằng gợi ý của ông Putin có thể khiến Washington - Bắc Kinh càng mâu thuẫn nhau.
“Căng thẳng Mỹ - Trung đã rất tồi tệ và xung đột quân sự là điều có thể xảy ra. Khả năng Nga muốn trở thành đồng minh của Trung Quốc là rất thấp. Đó chủ yếu là dấu hiệu cho thấy Nga mong muốn trở thành nhân tố trung lập quan trọng để buộc Mỹ hay Trung Quốc chấp nhận những nhượng bộ quan trọng với Mátxcơva”. GS Shi Yinhong