Trung Quốc tập trận rầm rộ ở biển Đông

TP - Ngay sau khi Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ kết thúc chuyến bay khảo sát 7 giờ trên biển Đông, Trung Quốc hôm qua thông báo Hải quân nước này bắt đầu đợt tập trận bắn đaạn thật quy mô lớn ở vùng biển gần đảo Hải Nam, với sự tham gia của hàng chục tàu chiến hiện đại nhất.
Trung Quốc muốn dùng đợt tập trận để đào tạo các thủy thủ phối hợp với nhau trong môi trường chiến đấu thực sự. Ảnh minh họa

Báo Trung Quốc Global Times đưa tin, đối mặt thách thức mới, Hải quân nước này quyết định thể hiện “quyết tâm bảo vệ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thông qua việc triển khai đợt tập trận hải quân quy mô lớn”. Hình ảnh trên truyền hình Trung Quốc cho thấy tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr mua từ Ukraine cũng tham gia tập trận. Trung Quốc muốn dùng đợt tập trận này để đào tạo các thủy thủ thuộc nhiều tàu chiến phối hợp với nhau trong môi trường chiến đấu thực sự, và cũng để chuẩn bị khả năng sẵn sàng thực hiện “một chiến dịch đổ bộ thành công chống lại các kẻ thù trong khu vực”, Global Times viết.

Trong đợt tập trận, các máy bay trực thăng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa lính thủy quân lục chiến của quân đỏ tấn công phía sau lực lượng quân xanh (kẻ thù) trên một hòn đảo không xác định ở biển Đông. Đợt tập trận sẽ kéo dài 10 ngày, trên vùng biển gần phía đông đảo Hải Nam, China Daily đưa tin.

Trong khi đó, ngoài căn cứ hải quân Changi ở Singapore, Philippines đã trở thành trạm dừng chân để Mỹ triển khai tàu chiến và máy bay đến biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã mở 8 cơ sở quân sự cho quân đội, máy bay và tàu chiến của Mỹ. Từ Philippines, máy bay tuần tra P-8A của Hải quân Mỹ và máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ có thể thực hiện các cuộc tuần tra trên không thường xuyên ở biển Đông để giám sát các hoạt động của Quân đội Trung Quốc. Tổng thống Aquino còn định biến vịnh Subic thành căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, sau khi quân đội Mỹ rời khỏi đây năm 1992. Trong tương lai gần, Hải quân Mỹ rất có thể sẽ nâng số tàu chiến duyên hải đến Đông Nam Á lên 4.

Hôm qua, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Zhao Jianhua, nói rằng, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Philippines vẫn tăng trong năm ngoái, bất chấp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ kéo dài. Ông hy vọng quan hệ song phương có thể phát triển trong căng thẳng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Philippines, nhưng thương mại giữa hai nước thấp hơn nhiều so với giá trị thương mại và đầu tư của Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Indonesia…

Đại sứ Zhao Jianhua bác bỏ thông tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không dự Cấp cao APEC thường niên diễn ra tại Manila vào tháng 11 tới. Ông Zhao nói rằng, lãnh đạo Trung Quốc chưa quyết định vì Philippines chỉ vừa gửi lời mời.

Học giả Trung Quốc phản đối ADIZ

Một học giả uy tín của Trung Quốc vừa cho rằng, Trung Quốc nên tránh đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông để giúp làm giảm căng thẳng trong khu vực.

Trước những căng thẳng ngày càng tăng về các hoạt động xây dựng, cải tạo ồ ạt tại khu vực tranh chấp ở biển Đông và quân sự hóa nhiều cơ sở, một số người cho rằng, Bắc Kinh sẽ sớm áp đặt ADIZ trên biển Đông giống như họ đã làm ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Nhưng ông Wu Sichun, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam (biển Đông) của Trung Quốc, vừa phát biểu trong cuộc hội thảo tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington rằng, Bắc Kinh không nên tuyên bố ADIZ ở biển Đông như một cách gửi đi tín hiệu về sự kiềm chế và giảm căng thẳng ở biển Đông. Học giả này cũng nói rằng, Trung Quốc nên bảo vệ tự do hàng hải và thúc đẩy quá trình thương lượng với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Reuters vừa dẫn lời các nguồn tin quân sự và ngoại giao nói rằng, Nhật Bản sẽ tham gia tập trận hàng hải chung với Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 10. Chiến dịch tập trận đa phương này khiến Trung Quốc nổi giận cách đây 8 năm và từ đó đến nay Delhi vẫn chưa tổ chức lại. Ấn Độ Dương đã trở thành khu vực cạnh tranh mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, việc Ấn Độ quyết định mở rộng cuộc tập trận Malabar để Nhật Bản tham gia cho thấy quan hệ quân sự gần gũi hơn giữa 3 cường quốc hàng hải.