Trung Quốc: Mafia cấu kết với quan chức cấp cao

TP - Mạng lưới quan hệ của Lưu Hán – cầm đầu băng nhóm xã hội đen được đánh giá là lớn và tàn bạo nhất Trung Quốc - rất rộng, bắt đầu từ Quảng Hán, Đức Dương, lan tới Miên Dương, Thành Đô rồi cả Bắc Kinh – theo Tân hoa xã.
Trùm xã hội đen Lưu Hán

Báo chí Trung Quốc ngày 21/2 đồng loạt đưa tin: Ngày 20/2, Viện Kiểm sát thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc đã ra quyết định khởi tố băng đảng tội phạm 36 người do Lưu Hán – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hán Long ở tỉnh Tứ Xuyên - cầm đầu về tội tổ chức, lãnh đạo, tham gia nhóm xã hội đen giết người và bảo kê, dung túng cho các hoạt động mang tính chất xã hội đen.

Tân Hoa xã cho biết: Băng đảng này đã bị Bộ công an chỉ định công an tỉnh Hồ Bắc phá vỡ hồi tháng 4/2013. Tin Lưu Hán bị khởi tố lan đi, dân chúng nhiều nơi ở Tứ Xuyên đã đua nhau đốt pháo ăn mừng. Điều đáng lưu ý là: Lưu Hán là đối tác làm ăn thân thiết của Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật đầy quyền uy. Chu Vĩnh Khang đã bị quản thúc để điều tra từ trung tuần tháng 12/2013, Chu Bân cũng đã bị bắt giam ngày 25/9/2013.

Giết người giữa thanh thiên bạch nhật

Lưu Hán là một nhân vật nổi tiếng không chỉ ở Tứ Xuyên mà khắp Trung Quốc bởi ông ta là Chủ tịch Hội Thương gia tỉnh, đương nhiệm Ủy viên Thường vụ Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Tứ Xuyên từ các khóa 9,10, 11, trường học Hy vọng mà ông ta xây tặng học sinh ở Vấn Xuyên vững vàng sau trận động đất lớn trong khi các ngôi trường khác đổ sập hết.

Trên thương trường, Lưu Hán là “con Hổ” trong ngành khai khoáng. Ngoài các hầm mỏ ở Tứ Xuyên, Tập đoàn Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thu mua mỏ sắt lớn của đại gia làng thép Australia Sundance, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Lưu Hán khi sang thăm Cameroon đã mời Tổng thống nước này cùng các bộ trưởng sang thăm Thành Đô với tư cách khách của tập đoàn để mở rộng đường chiếm lĩnh thị trường châu Phi, nhưng kế hoạch này chưa kịp thực hiện thì Lưu Hán đã bị sa lưới.

Một phần kho súng của Lưu Hán

Theo quyết định khởi tố của Viện Kiểm sát, Lưu Hán và em trai Lưu Duy cùng đồng bọn đã phạm 15 tội nghiêm trọng như: tổ chức, lãnh đạo, tham gia băng nhóm xã hội đen; cố ý giết người; cố ý hãm hại, bắt cóc giam giữ trái phép, cản trở công vụ, mở và kinh doanh sòng bạc trái phép, mua sắm và tàng trữ vũ khí trái phép, móc nối thông thầu, hủy hoại tài sản người khác, lừa đảo.v.v.

Từ năm 1993 đến nay, băng nhóm của Lưu Hán đã hoành hành, cát cứ, xưng hùng xưng bá ở vùng Quảng Hán, Miên Dương, Thập Phường…tỉnh Tứ Xuyên, phá hoại nghiêm trọng trật tự trị an xã hội và đời sống kinh tế, trong đó cố ý giết chết 6 người, gây hại làm chết 2 người, giam giữ trái phép làm chết 1 người.

Bản tin của Tân Hoa xã cho biết: Lưu Hán kết giao với các quan chức bằng cách cho vợ kết thân với các bà phu nhân trước rồi tiếp cận chồng. Dương Tuyết, vợ cũ Lưu Hán kể: Ông ấy dẫn tôi đi ăn cùng họ, biếu tiền, vàng, ngọc giá trị mấy trăm ngàn đến cả triệu tệ, có khi còn mời họ chơi bạc để hối lộ bằng cách giả thua bạc.

Bản tin của Tân Hoa xã còn chỉ rõ: “Bị cáo đã tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc các nhân viên công tác của nhà nước để tìm kiếm sự bảo kê, củng cố và phát triển, mở rộng ảnh hưởng xã hội”. Tân Hoa xã cũng cho biết, cảnh sát đã thu giữ của băng nhóm này 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng các loại và 677 viên đạn…

Công an Bắc Kinh là nơi đầu tiên phát hiện các hành vi phạm tội của băng nhóm Lưu Hán và tiến hành quản thúc tại gia ở Bắc Kinh từ ngày 13/3/2013 và bị cảnh sát Hàm Ninh ra quyết định bắt giam từ ngày 3/7. Lưu Duy, em trai Lưu Hán, là kẻ phải chịu trách nhiệm về các vụ giết người, từng được chọn là người cầm đuốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Khi Lưu Hán lẩn trốn sau vụ án giết Trần Phú Vĩ vì tư thù, Lưu Hán đã mua chuộc một số quan chức cảnh sát, viện kiểm sát ở địa phương để họ bao che, gỡ tội.

Trần Phú Vĩ đã bị Lưu Duy bắn chết ngay giữa chốn đông người vào ban ngày vì dám thách thức, cạnh tranh với anh em hắn. Sau khi giết người, Lưu Duy cũng chẳng thèm chạy đi nơi khác. Tập đoàn Hán Long cũng liên đới trong vụ án này vì đã dùng các thủ đoạn, mánh lới lừa đảo trong kinh doanh, đầu tư, tín dụng…với số tiền lên tới 4 tỷ tệ.

Theo thống kê của tổ chuyên án, băng nhóm Lưu Hán đầu tư khống chế, góp vốn, tham gia cổ phần tổng cộng 70 công ty, có 2 công ty lên sàn, 4 công ty ở nước ngoài. Tổng số tài sản của băng nhóm này lên tới 40 tỷ tệ (gần 7 tỷ USD).

Sinh năm 1965, Lưu Hán khởi nghiệp đầu những năm 1990 bằng kinh doanh máy đánh bạc. Bị phạt, niêm phong máy, Lưu Hán đã cùng em trai tự ý xé bỏ niêm phong, mua súng để ngăn cản nhân viên công vụ. Kiếm được khoản tiền kha khá, Lưu Hán quay sang kinh doanh địa ốc, xảy ra tranh chấp với dân địa phương trong vấn đề bồi thường, chúng đã dùng dao, súng để giải quyết.

Gây ra 2 vụ giết người, không bị trừng trị, anh em Lưu Hán ngày càng hung hăng, ngông cuồng, tàn bạo, chỉ trong 10 năm chúng đã giết hại 9 người, làm bị thương nhiều người vô tội. Tháng 3/1997 sau khi thành lập Tập đoàn Hán Long ở Miên Dương (Tứ Xuyên), Lưu Hán đã lập ra một đội quân “bảo an” được trang bị vũ khí quân dụng.

Cấu kết với quan chức cấp cao

Với hàng loạt tội ác nghiêm trọng, nhưng do có mối quan hệ gắn bó với những quan chức có thế lực ở địa phương, qua các cuộc điều tra, xét xử, trong cả băng nhóm tội phạm, chỉ có một tên là Cừu Đức Phong bị xử nhẹ 4 năm tù, còn tất cả đều ung dung ngoài vòng pháp luật.

Theo quyết định khởi tố ngày 20/2/2013, trong giới chức công an và kiểm sát ở Tứ Xuyên có những nhân vật quan trọng bao che, dung túng cho băng nhóm Lưu Hán.

Ba người cùng bị khởi tố lần này là Lưu Học Quân, Chính ủy Chi đội cảnh sát hình sự, Cục Công an Đức Dương; Lã Bân, Trưởng phòng Tài chính - trang bị Cục Công an và Lưu Trung Vĩ, Phó Viện trưởng kiểm sát thị xã Thập Phường.

Tân Hoa xã dẫn lời khai của Lưu Duy: Ngoài biếu tiền, quà, hầu như tuần nào hắn cũng cùng ba người trên tụ tập chơi gái, thậm chí tiêm chích ma túy. Lưu Học Quân thường thông báo tin tức, hủy chứng cứ vụ án, còn hai người kia thì giúp cung cấp súng, đạn…Anh em Lưu Hán còn bỏ tiền đầu tư sòng bạc ở ngoài biên giới rồi tổ chức đưa người sang Hongkong, Ma-cao đánh bạc.

Sự dính líu của cha con Chu Vĩnh Khang

Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang là bạn làm ăn với Lưu Hán, đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, dầu khí. Năm 2003, Chu Bân bán cho một công ty dưới quyền Lưu Hán.với giá 20 triệu tệ một công trình du lịch chỉ đáng giá khoảng 3 triệu. Lưu Hán mua nó vì muốn tạo quan hệ tốt với Chu Bân.

Năm 2005, khi Tập đoàn Hán Long lập một công ty điện lực, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên lấy lý do bảo hộ tài nguyên, không cho phép Lưu Hán nắm giữ toàn bộ cổ phần. Chu Bân liền đứng ra giữ 20% cổ phần. Về sau, Lưu Hán lấy nốt số cổ phần này dưới hình thức mua lại, nhưng thực ra chẳng mất đồng nào. Khi đó, Chu Vĩnh Khang đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

Dư luận cho rằng, đủ lý do để nghi ngờ Lưu Hán đã hối lộ Chu Bân, thậm chí Chu Vĩnh Khang trong vụ này. Dư luận Trung Quốc cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Chu Vĩnh Khang sắp bị khởi tố, bởi trước đây, trước khi Bạc Hy Lai bị giao cho cơ quan pháp luật xét xử, tờ NDNB cũng “đánh tiếng” y như thế!