Trung Quốc lo lắng khi Mỹ củng cố lá chắn ở châu Á?

Việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa đưa một vệ tinh lên quỹ đạo có thể trở thành động cơ thúc đẩy Mỹ tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á, khiến Trung Quốc lo lắng.
Màn hình TV tại một nhà ga ở Seoul hôm 7/2 chiếu bản tin về vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Ảnh: Reuters

Triều Tiên hôm 7/2 tuyên bố phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo và hành động này chỉ nhằm phục vụ mục đích khoa học. Dù vậy, Mỹ và các đồng minh coi đây là vỏ bọc che đậy cho nỗ lực phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, theo Reuters.

Ngay sau sự việc, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên "sớm nhất có thể".

Diễn biến mới này khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Bắc Kinh tỏ rõ lập trường phản đối trước một hệ thống phòng thủ tên lửa mà radar của nó có thể giám sát lãnh thổ Trung Quốc.

Giới chuyên gia đánh giá, nếu được triển khai, THAAD sẽ trở thành mồi lửa thổi bùng lên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung cũng như làm tổn thương mối hợp tác giữa Bắc Kinh và Seoul.

Điểm bùng phát

Người dân Bình Nhưỡng vui mừng khi xem bản tin trên một màn hình lớn thông báo về việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo. Ảnh: Reuters

Theo một quan chức Mỹ, vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, liền kề ngay sau vụ thử bom nhiệt hạch hồi tháng trước, nhiều khả năng sẽ là "điểm bùng phát" khiến Seoul phải thực thi những động thái mạnh tay hơn nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Đồng thời, vụ phóng cũng góp phần thay đổi quan điểm của một số quan chức trong guồng máy chính trị Hàn Quốc, những người trước đây còn thận trọng về việc đàm phán với Mỹ để triển khai THAAD.

Washington và Seoul đều nói nếu được triển khai ở Hàn Quốc, THAAD sẽ chỉ tập trung vào Triều Tiên. Tuy nhiên, một bài xã luận trên Global Times, phụ bản của tờ People's Daily Trung Quốc, lại gọi sự bảo đảm an ninh của THAAD đối với Hàn Quốc là "mơ hồ".

"Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng một khi THAAD được lắp đặt, các tên lửa Trung Quốc cũng sẽ trở thành mục tiêu giám sát. Vì thế, nó sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc", bài xã luận có đoạn.

Nhật Bản từ lâu cũng lo ngại trước chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tokyo từng cho biết đang cân nhắc triển khai THAAD để tăng cường năng lực phòng vệ. Tên lửa mà Triều Tiên phóng cuối tuần trước đã bay qua tỉnh Okinawa, miền nam Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo hôm 8/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Bộ Quốc phòng nước này không có kế hoạch cụ thể về việc triển khai THAAD nhưng Bộ tin rằng các phương tiện quân sự mới sẽ giúp Nhật Bản củng cố năng lực quốc phòng.

Dù vậy, chuyên gia Riki Ellison, người sáng lập Liên minh Ủng hộ Phòng vệ Tên lửa của Mỹ, nhận định vụ phóng sẽ tạo thêm động lực để thúc đẩy Nhật triển khai THAAD.

Mỹ năm 2013 điều động một trong 5 tổ hợp THAAD của nước này đến đảo Guam để canh chừng Triều Tiên. Washington cũng cân nhắc chuyển đổi một bãi thử phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis dành cho chiến hạm thành căn cứ phòng thủ tên lửa sẵn sàng chiến đấu.

Nghi ngờ về tính hiệu quả

Một số chuyên gia nghi ngờ tính hiệu quả của THAAD đối với loại tên lửa tầm xa mà Triều Tiên vừa phóng. Lầu Năm Góc trong khi đó cũng thừa nhận chưa thử nghiệm khả năng của THAAD đối với tên lửa tầm xa.

THAAD được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo khi còn ở bên trong hoặc vừa ra khỏi khí quyển, trong giai đoạn cuối cùng của đường bay. THAAD đến nay mới chỉ chứng minh được khả năng tiêu diệt hiệu quả các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Song, John Schilling, cây bút từ trang 38north.org, chuyên phân tích và theo dõi các vấn đề an ninh Triều Tiên, cho hay radar AN/TPY-2 tân tiến của THAAD có thể cung cấp thông tin giám sát sớm và chính xác đối với bất kỳ tên lửa tầm xa nào.

Chuyên gia David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh các nhà khoa học cùng mối quan tâm, cũng cho rằng mặc dù THAAD không bắn hạ được loại tên lửa tầm xa mà Triều Tiên phóng hôm 7/2 nhưng việc triển khai nó sẽ giúp trấn an người dân Hàn Quốc.

"Phần lớn những gì các chương trình phòng thủ tên lửa có thể làm được là trấn an các đồng minh và người dân", ông Wright nói.

Giới phân tích đánh giá các cuộc thảo luận mới giữa Mỹ và Hàn Quốc về khả năng triển khai THAAD còn gửi đến Trung Quốc một thông điệp rằng Bắc Kinh cần có những động thái cụ thể và mạnh tay hơn để khống chế chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Các quan chức Hàn Quốc dường như đã xác định được một địa điểm thích hợp để lắp đặt hệ thống THAAD. Đây đồng thời cũng có thể là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự trên bán đảo Triều Tiên, chuyên gia Ellison cho biết.

Một trong các tổ hợp THAAD, được đặt tại căn cứ lục quân Fort Bliss ở bang Texas, Mỹ, luôn trong tình trạng sẵn sàng triển khai và có thể được đưa đến Nhật hay Hàn Quốc trong vài tuần tới, Ellison cho hay.

THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa do tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới Lockheed Martin chế tạo. Lầu Năm Góc đang đặt hàng Lockheed Martin thêm hai tổ hợp THAAD nữa.

Theo Theo VnExpress