> Trung Quốc sẽ đưa nữ phi hành gia lên vũ trụ
Ngân hàng Thế giới (WB) và một cơ quan nghiên cứu uy tín của Trung Quốc vừa đề nghị chính phủ nước này thực hiện những thay đổi trên diện rộng đối với nền kinh tế, bao gồm cả việc giảm quyền năng của những tập đoàn nhà nước, xóa bỏ các cơ chế độc quyền, theo New York Times.
Bản báo cáo nói trên thúc giục chính phủ Trung Quốc sửa đổi mô hình “kinh tế thị trường có hướng đạo của nhà nước”.
Cụ thể là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng nghĩa với tăng lãi suất, giúp người tiêu dùng thêm lợi tức từ các món tiền tiết kiệm; tăng cổ tức của các tập đoàn nhà nước, một cách để tăng chi tiêu xã hội.
Nhưng những thay đổi cơ bản hơn trong công tác điều hành các tập đoàn nhà nước dường như được các học giả “dành” cho giai đoạn cuối của tiến trình đổi mới.
Có thể họ cho rằng những thay đổi này chắc chắn vấp phải những lực cản chính trị dù đã xuất hiện những cảnh báo về một kịch bản trong đó kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm tăng trưởng nhanh chóng, theo Wall Street Journal.
Thay đổi được không?
Eswar Prasad, một học giả thuộc viện Brookings Trung Quốc nói rằng bản báo cáo triển vọng Trung Quốc là dự án hợp tác của WB và Trung tâm Nghiên cứu phát triển, chuyên cung cấp thông tin nghiên cứu cho Quốc vụ viện (chính phủ), cơ quan hành pháp cao nhất ở Trung Quốc.
“Tuy nhiên, những đề nghị đổi mới vẫn bị hạn chế từ góc độ chính trị”, Prasad, hiện có mặt tại Bắc Kinh tham gia thảo luận về viễn cảnh Trung Quốc đến năm 2030, nói.
Chủ tịch WB Robert Zoellick nói các quan chức chính phủ và những tổ chức nhà nước cấp cao có vẻ ủng hộ các đề xuất. “Các bạn có hệ thống một đảng chèo lái rất thành công nền kinh tế trong 30 năm”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Bây giờ câu hỏi là “liệu hệ thống kinh tế có thể thay đổi được không?”
Bản báo cáo “Trung Quốc đến năm 2030” cho rằng nền kinh tế Trung Quốc, từ năm 2011 đến 2030 sẽ giảm dần tốc độ tăng trưởng tới mức bình quân 6,6% so với mức 10% trong 30 năm qua.
Đến năm 2025, tăng trưởng giảm xuống mức 5% khi lực lượng lao động già đi, sản lượng tăng chậm lại, cơ sở hạ tầng xuống cấp và các khoản đầu tư không còn mang lại lợi nhuận cao như trước.
Bản báo cáo còn cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ nghiêm trọng hơn nhiều nếu họ không giảm đáng kể sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đầu tư và xuất khẩu.
Thêm nữa, theo báo cáo, ứng phó với suy giảm bằng các gói kích cầu khổng lồ như cách Trung Quốc từng làm khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, có thể không còn hiệu quả.
“Hiệu ứng không mong muốn là lạm phát và bất ổn có thể làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư, khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thậm chí đình trệ”, báo cáo viết.
Nhiều quốc gia như Trung Quốc, trở thành nước có thu nhập trung bình, như WB xác định, tức là thu nhập bình quân đầu người đạt từ 1.006-12.275 USD, thất bại trong việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” này.
Trong số 101 quốc gia thu nhập trung bình tính từ năm 1960, chỉ có 13 nước trở thành quốc gia có thu nhập cao, tính tới năm 2008.
Xóa bỏ độc quyền nhà nước
Để tránh rơi vào trì trệ, Trung Quốc cần giảm mạnh sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế, theo lập luận của báo cáo trên, bao gồm đổi mới các công ty, tập đoàn nhà nước khổng lồ chiếm lĩnh ngành năng lượng, vận tải và khai thác tài nguyên thiên nhiên, bất động sản...
Chúng cần được đưa vào tay các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp, bán hoặc chuyển giao những ngành kinh doanh ngoài ngành.
Thêm nữa, cơ quan giám sát và quản lý các công ty nhà nước, được gọi là Ủy ban Quản lý và Giám sát công sản, cần “tự hạn chế quyền năng của họ ở công tác làm chính sách và giám sát, chứ không phải trực tiếp quản lý”, bản báo cáo lập luận.
Mục đích là tạo môi trường cạnh tranh, được xem là “yếu tố mấu chốt để cải thiện tính hiệu quả và khả năng đổi mới của các công ty, tập đoàn ở Trung Quốc”.
Tình trạng độc quyền nhà nước hoặc độc quyền doanh nghiệp trong một số ngành công nghiệp chủ chốt như xăng dầu, hóa chất, phân phối điện và viễn thông cũng bị đề xuất phá bỏ, cho phép tư nhân tham gia và cạnh tranh.
Thêm nữa, ngân hàng trung ương cần được hoạt động độc lập, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học chủ động hơn trong các điều tra, nghiên cứu của họ.
Những đổi thay này cuối cùng sẽ dẫn đến những thay đổi tổ chức đảng cầm quyền ở Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu, dù báo cáo đã “ý nhị” không đề cập. Những điều đó có thể phải thay đổi để đảm bảo tiến trình đổi mới đi đúng hướng.
Ông Zoellick nói: “Nếu bạn hỏi liệu Đảng (Cộng sản Trung Quốc) có chính sách trọng dụng nhân tài hay không, có chọn lựa được các lãnh đạo tốt hay không, câu trả lời của tôi là cho đến nay, họ làm việc đó không tệ”.
Nhưng ông Prasad, học giả của viện Brookings cho rằng các đề xuất với lãnh đạo Trung Quốc trong thực tế không “nghiêm trọng” như vậy, vì họ dù sao vẫn muốn kiểm soát tình hình.
Ví dụ, về đề nghị trao thêm tính độc lập cho ngân hàng trung ương, đơn giản có nghĩa là “được múa tay trong cái bị rộng hơn” chứ không phải độc lập hoàn toàn với chính phủ trong việc ra quyết định về chính sách tiền tệ”, ông Prasad nói.
Lãnh đạo sắp kế nhiệm của Trung Quốc được một số chuyên gia nước ngoài tin rằng sẽ bắt tay thực hiện vài việc trong bản đề xuất.
“Tôi trông đợi rằng họ (lãnh đạo tương lai) sẽ có những thử nghiệm với các ý tưởng mới”, ông Zoellick nói thêm, rất có thể lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ thăm dò bằng các dự án thí điểm.
Cuối năm nay, sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc sẽ diễn ra. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được trông đợi kế tục vị trí của chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập đã được trình bày về đề xuất nói trên một vài lần, theo tiết lộ của những người liên quan, còn Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người dự kiến lên làm Thủ tướng thay ông Ôn Gia Bảo ủng hộ việc thực hiện bản báo cáo khi ông Zoellick đề xuất hồi cuối năm 2010.
Một số đề xuất với chính phủ Trung Quốc:
1.Để các cơ sở quản lý tài sản chuyên nghiệp điều hành công ty nhà nước dưới dạng dự án thương mại.
2. Phá bỏ tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực “chiến lược”.
3. Tạo điều kiện để ngân hàng trung ương hoạt động độc lập.
4. Hình thành một số trường đại học, cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
5. Chuyển cơ quan quản lý các tập đoàn nhà nước thành đơn vị làm chính sách và giám sát.