Theo các nhà quan sát, cuộc gặp hiếm thấy giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron diễn ra ngoài thủ đô Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc rất coi trọng nhà lãnh đạo Pháp và nỗ lực của ông nhằm tạo nên “con đường thứ ba” trong xử lý quan hệ với Pháp mà không cần đối đầu.
Phát biểu trước khi đến Bắc Kinh ngày 5/4, Tổng thống Pháp cho biết Paris sẽ tìm kiếm cách thức trao đổi và hợp tác với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại.
“Chúng ta không được tự tách mình khỏi Trung Quốc”, ông Macron nói, và cho biết Pháp sẽ “chủ động cam kết duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc”.
Ông Macron cũng nói rằng Trung Quốc “có thể đóng vai trò lớn” trong tìm kiếm kết thúc cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Sau một cuộc gặp không chính thức và tiệc chiêu đãi ngày 6/4, ông Macron sẽ bay đến thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc vào ngày mai, để cùng ông Tập dùng bữa tối riêng tư.
Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu và cũng là một trong những vùng giàu có nhất của Trung Quốc.
Ông Macron sẽ gặp các nhà đầu tư Trung Quốc và trả lời câu hỏi từ khoảng 1.000 sinh viên đang học tại ĐH Trung Sơn.
Các quan chức Pháp cho biết, việc chuẩn bị cho chuyến thăm lần này diễn ra “suôn sẻ và hữu nghị hơn” các chuyến thăm trước đây của ông Macron đến Trung Quốc, theo Bloomberg.
Báo chí Trung Quốc ca ngợi chuyến đi của ông Macron đến miền Nam Trung Quốc là bằng chứng cho thấy quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Paris.
“Cuộc gặp của ông Macron với ông Tập ở Quảng Châu cho thấy tầm quan trọng mà cả hai bên đều gửi gắm vào chuyến thăm này”, Cui Hongjian, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu quốc tế, đánh giá.
Hiếm khi ông Tập đón khách nước ngoài tại nơi nào ngoài Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến dự “thượng đỉnh không chính thức” tại Vũ Hán tháng 4/2018, không lâu sau khi xảy ra vụ ẩu đả nghiêm trọng trên biên giới giữa hai nước.
Cũng trong năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi chuyến tàu cao tốc đến Thiên Tân, một thành phố giáp Bắc Kinh về phía Bắc, để cùng xem thi đấu khúc côn cầu trên tuyết.
Ông Macron là tổng thống Pháp đương nhiệm đầu tiên thăm Quảng Châu, báo chí Trung Quốc viết. Ông Cui nói rằng Quảng Châu được chọn vì vị trí độc nhất của thành phố này trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như quan hệ Trung – Pháp.
Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu năm 2022, sau Đức và Hà Lan. Trong đó, Quảng Đông chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Pháp.
“Khi đi thăm các dự án Pháp đầu tư vào Quảng Đông, chuyến thăm của ông Macron sẽ giúp ông ấy hiểu rõ hơn về giai đoạn mới trong chính sách mở cửa của Trung Quốc và hợp tác song phương cấp cao, từ đó sẽ giúp Pháp và châu Âu có niềm tin vào hợp tác với Trung Quốc”, ông Cui nói.