Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai

TP - Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua thông báo, nước này đang chế tạo tàu sân bay thứ hai bằng thiết kế nội địa, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục mở rộng năng lực hàng hải gây nhiều lo ngại trong khu vực.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

"Tàu sân bay mới đang được chế tạo hoàn toàn theo thiết kế trong nước", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun nói trong cuộc họp báo thường kỳ. Ông Yang cho biết, con tàu này đang được chế tạo ở Đại Liên - cảng biển phía đông bắc của Trung Quốc. Sự xác nhận chính thức được đưa ra sau nhiều tháng các quan chức quân sự Trung Quốc tung tin hoặc ngụ ý về kế hoạch này.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh là một tàu cũ của Liên Xô chế tạo cách đây 25 năm và được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998. Tàu trải qua nhiều sửa chữa trước khi đi vào hoạt động năm 2012. “Thiết kế và chế tạo tàu sân bay thứ hai tiếp thu kinh nghiệm hữu ích từ quá trình nghiên cứu và tập luyện với tàu Liêu Ninh”, ông Yang nói. “Điều này dẫn đến nhiều cải tiến và thay đổi”, ông Yang cho biết thêm, nhưng không cung cấp chi tiết.

Tàu sân bay mới sẽ có lượng rẽ nước 50.000 tấn và sử dụng “nhiên liệu truyền thống”, ông Yang nói, trái ngược với thông tin trước đó là tàu này sẽ sử dụng nhiên liệu hạt nhân. Tàu mới sẽ mang theo máy bay J-15 và các loại máy bay khác, ông Yang thông báo. Theo ông, ngày hạ thủy con tàu chưa có tên này chưa được ấn định, và phụ thuộc tiến trình đề ra trong thiết kế. Ông Yang cũng từ chối trả lời khi nào Trung Quốc sẽ chế tạo tàu sân bay thứ ba.

Phản ứng trên các mạng xã hội Trung Quốc chủ yếu là tích cực và theo chủ nghĩa dân tộc. “Khi chúng ta đã trang bị cho mỗi hạm đội một tàu sân bay, Mỹ và Nhật Bản sẽ tỉnh giấc mơ của họ”, một người Trung Quốc viết trên mạng xã hội Sina Weibo.

Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng hải quân có năng lực tác chiến ở những vùng biển và đại dương xa xôi, và đang thực hiện một dự án quy mô lớn để hiện đại hóa quân đội đông nhất thế giới với 2 triệu quân nhân.

Bắc Kinh nói rằng, việc họ mở rộng hải quân không phải mối đe dọa với các nước láng giềng, và rằng tàu Liêu Ninh sẽ được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ huấn luyện. Tàu Liêu Ninh chưa được vận hành đầy đủ, nhưng nó đã thực hiện các chuyến huấn luyện ở biển Đông - khu vực mà Trung Quốc sẽ tiếp tục lập trường quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.

Vài ngày trước, hãng thông tấn Xinhua đưa tin, dòng máy bay J-20, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, đã được đưa vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Bằng chứng là bức ảnh chiếc J-20 trên đường băng được phủ sơn lót màu vàng và mang số hiệu 2101. Các phiên bản trước của J-20 được đánh số trong dãy 2000. Sự xuất hiện dãy số 2100 khiến giới quan tâm quân sự suy luận rằng, phiên bản mới đã bước vào giai đoạn sản xuất, cho dù Xinhua đưa tin, việc sản xuất J-20 ban đầu chỉ có hạn. Một chuyên gia giấu tên cho rằng, phần mềm sử dụng cho các máy bay chiến đấu thế hệ 5 cần được thử nghiệm thêm, ngay cả khi thân máy bay đã được hoàn tất, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.

Trung Quốc cũng vừa cho phép quân đội thực hiện các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài với việc thông qua một luật gây tranh cãi, trong đó nói rằng Bắc Kinh “có thể đưa quân ra ngoài biên giới để thực hiện các hoạt động chống khủng bố” nếu “nước tương ứng” đồng ý.