Chủ nhiệm Ủy ban Phụ trách vấn đề đại lục của Đài Loan - ông Vương Úc Kỳ và Chủ nhiệm Văn phòng Phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc - ông Trương Chí Quân hội đàm chiều 11/2 tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên ở cấp chính quyền cấp cao nhất kể từ khi phe Quốc dân đảng của ông Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan năm 1949. Không có chương trình nghị sự chính thức nào được đưa ra, vì cuộc gặp chủ yếu mang tính biểu tượng và xây dựng lòng tin, đánh dấu một bước đi lớn trong việc mở rộng đối thoại giữa hai bờ eo biển vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua cho biết, sau cuộc gặp, hai bên đã đồng ý mở cơ quan đại diện càng sớm càng tốt để giải quyết các vấn đề giữa hai bên. Đài Loan và Trung Quốc đại lục cũng đồng ý thúc đẩy quan hệ kinh tế và “xử lý thích đáng” các vấn đề chăm sóc y tế cho sinh viên tại hai bên.
Cuộc hội đàm giữa người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề xuyên eo biển của hai bên được coi là bước đột phá quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai phía và có thể dọn đường cho việc trao đổi các chuyến thăm thường xuyên trong tương lai.
Dẫn đầu phái đoàn 20 đại biểu đến Nam Kinh trong chuyến thăm 4 ngày (bao gồm chặng dừng chân ở Thượng Hải), ông Vương Úc Kỳ trong bài phát biểu của mình nói rằng cuộc gặp mặt với ông Trương Chí Quân là “cơ hội không thể tưởng tượng trong những năm trước”. “Cùng ngồi xuống và đối thoại là cơ hội thực sự giá trị, sau khi hai bên một thời từng chiến tranh”, ông Vương nói. Đại diện đại lục bày tỏ sẵn lòng sang thăm Đài Loan trong tương lai gần. Hai quan chức nhất trí rằng, hai bên cần giữ gìn quan hệ thuận lợi hiện nay.
Còn nhiều cách biệt
Theo lịch trình, ông Vương đến thăm Lăng Tôn Trung Sơn ngày 11/2 và có bài phát biểu tại Đại học Nam Kinh trước khi đến Thượng Hải vào hôm 12/2. Vì vấn đề nhạy cảm chính trị, phòng khách sạn ở Nam Kinh dành cho đoàn Đài Loan được trang trí trung lập, không có cờ hay biển hiệu trên bàn để xác định danh hiệu hoặc đảng phái.
Đài Loan và Trung Quốc đại lục có quan hệ thù địch từ khi nội chiến kết thúc năm 1949, nhưng quan hệ giữa hai eo biển được cải thiện sau khi ông Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng thắng cử năm 2008 để trở thành lãnh đạo Đài Loan, sau đó áp dụng chính sách thân thiện hơn với Bắc Kinh. Từ đó đến nay, hai bên đã ký 18 thỏa thuận phi chính trị. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận năm 2008 nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển đường biển, đường không và đường bưu điện trực tiếp và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ký kết năm 2010.
Cuộc gặp lần này diễn ra ở Nam Kinh, thủ đô của Trung Quốc dưới thời Quốc dân đảng trong nửa đầu thế kỷ 20. Sau khi thất bại trong cuộc nội chiến trước Đảng Cộng sản Trung Quốc do nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông dẫn đầu, hai triệu người ủng hộ ông Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan. Từ đó, Trung Quốc đại lục và Đài Loan được quản lý bởi hai chính quyền riêng biệt.
Theo các nhà phân tích, Đài Loan có thể sẽ tập trung tận dụng những thành quả thực tế từ đợt đối thoại này, như bảo đảm lợi ích kinh tế hoặc an ninh, còn Trung Quốc trông đợi hợp nhất hòn đảo này vào đại lục trong tương lai xa. Tuy nhiên, quan hệ thương mại tốt đẹp không tạo ra tiến triển gì trong hòa giải chính trị hay giảm sự chuẩn bị quân sự của cả hai phía. Đảo Đài Loan được Mỹ hậu thuẫn và Trung Quốc đại lục được đánh giá vẫn là điểm nóng tiềm tàng, theo Reuters.
Cuộc gặp hôm 11/2 được quan sát kỹ lưỡng để xem liệu có thể mở đường cho một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, cho dù cơ hội xảy ra điều này trong tương lai gần là rất mong manh.
Theo các nhà phân tích, chỉ có các cuộc gặp cấp cao nhất mới có thể thảo luận những vấn đề liên quan chính phủ hợp pháp duy nhất. Tháng 10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình nói rằng, một giải pháp chính trị cho sự bế tắc giữa đại lục và đảo Đài Loan không thể bị hoãn vô thời hạn. Nhưng ông Mã Anh Cửu sau đó nói rằng, không việc gì phải vội vàng đối thoại chính trị, và ông muốn tập trung vào thương mại.