Trung - Nhật lại căng thẳng ở Hoa Đông

TP - Tokyo hôm qua gửi phản đối ngoại giao đến Bắc Kinh, một ngày sau khi các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông và tiếp cận một tàu cá của Nhật Bản. 
Một tàu tuần duyên Nhật Bản tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ảnh: Reuters

Tổng thư ký Nội các Katsunobu Kato nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Tokyo rằng sáng 11/10, hai  tàu Trung Quốc đã “xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản” quanh đảo Taisho thuộc quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản nói rằng 2 tàu Trung Quốc đã cố áp sát một tàu cá của Nhật và tiếp tục ở lại khu vực cho đến chiều muộn hôm đó, bất chấp nhiều lần tàu Nhật yêu cầu phải rời đi ngay lập tức.

 “Nhật Bản phản đối mạnh mẽ sự việc này thông qua các kênh ngoại giao ở cả Tokyo và Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động bình tĩnh nhưng kiên quyết với Trung Quốc”, Japan Times dẫn lời ông Kato.

 Giới phân tích nói rằng có thể không phải trùng hợp khi các tàu công vụ Trung Quốc đi vào khu vực tranh chấp chỉ vài ngày sau khi Tokyo phản đối một cơ quan chính phủ Trung Quốc mở một trang web nhằm tuyên truyền về yêu sách của Bắc Kinh ở vùng biển này.

 Website của Dịch vụ thông tin và dữ liệu biển quốc gia Trung Quốc cung cấp một tour tham quan bảo tàng ảo có tên là “Điếu Ngư đảo: Lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.

 Bình luận về việc mở bảo tàng trực tuyến, ông Kato nói hôm 5/10 rằng Trung Quốc “không có tư cách” lập trang web đòi chủ quyền đối với quần đảo này, và Nhật Bản yêu cầu phía Trung Quốc đóng cửa website. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, nói rằng Nhật Bản “không có quyền đưa ra phát biểu vô trách nhiệm”.

 Ông James Brown, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Temple ở Tokyo, cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc không phải tình cờ. Ông cho rằng điều này đặc biệt đáng lo ngại với Nhật Bản vì việc nắm giữ các đảo phụ thuộc vào khả năng kiểm soát các vùng biển xung quanh.

Theo chuyên gia này, nếu lực lượng Trung Quốc không dừng lại mà xông lên tàu cá của Nhật Bản đang đánh bắt trong vùng nước mà Tokyo khẳng định là thuộc chủ quyền của họ, hai bên sẽ rơi vào tình thế tương tự năm 2010, khi tàu tuần duyên Nhật Bản bắt giữ một tàu cá Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

“Chúng ta đã có tiền lệ, khi đó Nhật Bản chủ động xuống thang để tháo ngòi căng thẳng. Nhưng Trung Quốc có thể làm tương tự và cho rằng tàu cá Nhật Bản hoạt động trái phép trong vùng biển của họ”, ông Brown nói với SCMP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận tại cuộc họp báo ngày 9/10 rằng hai bên đang trao đổi để Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sớm thăm chính thức Nhật Bản. Nhưng ông Brown cho rằng chuyến thăm bị hoãn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có khả năng sẽ diễn ra trong tương lai gần, vì có vẻ Trung Quốc không ưu tiên chuyến thăm.

Đang có nhiều ý kiến ở Nhật Bản cho rằng nước này nên có những bước đi chủ động hơn với vấn đề lãnh thổ, như xây dựng cảng, hải đăng và các cơ sở khác để hỗ trợ tàu bè, tương tự như cách Bắc Kinh đã làm trên biển Đông.