Trưng bày báo chí xưa và hiếm

TP - Hơn 150 đầu báo xưa và hiếm về diện mạo nền báo chí Việt Nam từ 1865-1954 ra mắt công chúng Hà Nội từ 16 đến 20-6, tại Thư viện Hà Nội.
BTC dựng khung các tờ báo được trưng bày tại Thư viện Hà Nội sáng 13-6
BTC dựng khung các tờ báo được trưng bày tại Thư viện Hà Nội sáng 13-6 . Ảnh: T.Toan

Cuộc trưng bày “Báo chí Việt Nam (1865 - 1954) - Quá trình hình thành và phát triển” do câu lạc bộ Sách xưa, trung tâm ngôn ngữ Đông Tây và Thư viện Hà Nội phối hợp thực hiện. Có thể coi đây là cuộc trưng bày quy mô, hệ thống lần thứ ba trong suốt 145 năm nền báo chí Việt Nam. Hai lần trước đều diễn ra ở Sài Gòn vào năm 1943 và 1966.

Gia Định báo xuất hiện năm 1865, tờ báo đầu tiên của Việt Nam cũng có mặt ở cuộc trưng bày, bên cạnh nhiều tờ báo: Lục tỉnh tân văn (1907), Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong (1917), Annam tạp chí (1932), Phong hóa (1932), Tiểu thuyết thứ bảy (1934), Văn học (1949), Hồn nước (1949).

Có cả báo cho độc giả chuyên biệt: Cậu ấm (1935) dành cho nam giới, Nhi đồng họa bản (1941), Phụ nữ tùng san (1929). Báo ngành: Thần nông báo (1930), Y khoa tạp chí (1936), Khoa học (1931), Nghệ lâm (1952).

 Tạo đàm “Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865 – 1954”, diễn ra sáng 16-6. Các diễn giả là những nhà nghiên cứu báo chí tên tuổi, trình bày nhiều nội dung về báo chí Việt Nam suốt chặng đường hình thành và phát triển: Báo quốc ngữ thời kỳ đầu cho tới đầu thế kỷ 20; Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển của báo quốc ngữ; Báo quốc ngữ, một kênh đưa văn học tới toàn dân; Lịch sử hình thành và phát triển báo chí Việt Nam, vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử của dân tộc; Tình hình hiện trạng việc lưu trữ báo chí trước 1945 ở Việt Nam và trên thế giới, khai thác và chia sẻ tư liệu.

Báo chí cách mạng: Macxit (1948), Văn nghệ (1952), Tiên phong (1945), Sự thật (1945), Nhân dân, Quân đội nhân dân, Việt Bắc kháng chiến, Lập công.

Đặc biệt, cuộc trưng bày giới thiệu bức thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ đăng báo Cứu quốc trước ngày lên đường sang Pháp (31-5-1946) với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp. Bức thư thuộc tài sản của gia đình nhà văn-nhà báo Nguyễn Huy Tưởng.

Đại diện gia đình nhà văn cho biết: “Góc bên trái phía trên của bức thư có bút tích của Nguyễn Huy Tưởng, đề ngày nhận thư 30-5-1946”.

Gia đình ông còn đóng góp một số hiện vật quý như bức ảnh những nhà văn, nhà báo kỳ cựu: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân; một số tờ báo quý: Tiền Phong số ngày 1-6-1954-số đặc biệt thiếu nhi, nhật báo Quốc hội xuất bản dịp tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu của Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Các nhà sưu tập cá nhân cả nước thông qua diễn đàn sachxua.net đóng góp các tờ báo quý để hội tụ trong triển lãm có ý nghĩa, chào mừng 145 năm ngày ra đời tờ báo quốc ngữ đầu tiên, 85 năm Ngày báo chí Việt Nam và hướng đến Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Báo chí sau năm 1932 đến Cách mạng tháng Tám 1945 chiếm số lượng lớn nhất trong các đầu báo mang trưng bày.

Cuộc trình làng những ấn phẩm xưa quý hiếm góp phần tôn vinh những nhà báo, tờ báo tên tuổi làm rạng danh cho nền báo chí Việt Nam. Cũng là dịp để người làm báo hiện đại tham khảo cách làm báo thời xưa cũ.