Trùm tình báo Mỹ bị hỏng máy bay trên đường đi Triều Tiên

Một sứ mệnh bí mật của giám đốc tình báo Mỹ tới Triều Tiên nhằm giải cứu hai công dân bị giam giữ đã bị trì hoãn trong 2 ngày do máy bay của ông bị hỏng trong khi đang tiếp nhiên liệu, giới chức Mỹ hôm qua cho biết.

Chiếc máy bay chở giám đốc tình báo James Clapper và 2 công dân Mỹ từ Triều Tiên về Mỹ.

Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã được cử tới Bình Nhưỡng hồi tuần trước với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama nhằm tìm kiếm tự do cho 2 công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên, Kenneth Bae và Matthew Miller.

Nhưng kế hoạch tới Bình Nhưỡng của ông Clapper đã bị trì hoãn khi chiếc máy bay của Lầu Năm Góc gặp sự cố trong khi tiếp nhiên liệu trên đường đến Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki không tiết lộ các vấn đề kỹ thuật mà máy bay của ông Clapper gặp phải.

Nhưng các quan chức Mỹ giấu tên cho hay, ông Clapper rời Washington vào lúc 2 giờ sáng ngày 4/11 trên một chiếc máy bay C-40 và dự kiến tới Triều Tiên vào ngày 6/11. Nhưng sự cố khiến ông phải ở lại Hawaii hơn 1 ngày trong khi chờ chiếc máy bay thứ 2 được điều động thay thế. Sau đó, ông Clapper bay tới đảo Guam rồi đến Bình Nhưỡng.

Giám đốc tình báo Mỹ không đến được Triều Tiên cho tới tận đêm ngày 7/11. Ông đã rời Bình Nhưỡng cùng Kenneth Bae và Matthew Miller vào ngày 8/11, muộn hơn một ngày so với kế hoạch. Ông Clapper trở về Mỹ trên một máy bay không quân, hạ cánh xuống căn cứ Lewis-McChord tại bang Washington.

Chiếc C-40 mà ông Clapper đi để tới Triều Tiên giống một chiếc Boeing 737-300. Nó thuộc đơn vị bay số 89, đóng tại căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland và là một số 11 chiếc thuộc sở hữu của không quân Mỹ và được sử dụng cho các chuyến bay VIP, trong đó có các thành viên nội các. C-40 được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2003.

C-40 nhỏ hơn so với máy bay C-32 của quân đội Mỹ, vốn giống chiếc 757-200 và thường được các thành viên nội các sử dụng thường xuyên hơn. Không quân có 4 chiếc C-32.

Đội máy bay VIP liên tiếp gặp trục trặc

Sự cố mà ông Clapper gặp phải là trục trặc mới nhất liên quan tới phi đội máy bay nhiều tuổi của chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 4, chiếc máy bay C-32 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp sự cố tại Vienna, Áo, buộc ông phải lên một chiếc bay thương mại để về nước. Đó là lần thứ 4 trong năm nay máy bay của ông Kerry bị trục trặc.

Hồi tháng 8, ông Kerry đã buộc phải bắt một chuyến bay thương mại kéo dài 9 giờ để từ Hawaii về Washington khi máy bay của ông gặp sự cố về điện sau một chuyến công du vốn đưa ông đi vòng quanh thế giới.

Hồi đầu năm nay, máy bay của ông Kerry cũng 2 gặp trục trặc tại Thụy Sĩ và Anh.

Cũng trong tháng 10, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên đường đi Nam Mỹ đã phải quay lại và trở về căn cứ không quân Andrew để sửa chữa một sự cố với máy bay trước khi lên đường trở lại đi Colombia.

Trong những năm gần đây, các cựu bộ trưởng quốc phòng cũng đối mặt với sự trì hoãn do các vấn đề kỹ thuật liên quan tới máy bay của họ, một số chiếc đã hoạt động được vài thập niên.

Các vấn đề kỹ thuật đã trở nên nghiêm trọng tới nỗi giờ đây giới chức thường điều một chiếc máy bay vận tải C-17 làm máy bay dự phòng nhằm đảm bảo rằng ông chủ Lầu Năm Góc có thể tiến hành các chuyến công du như dự định.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sử dụng một trong vài chiếc E4-B, được cải tiến từ chiếc Boeing 747 vốn được thiết kế trong thời Chiến tranh Lạnh làm trung tâm chỉ huy trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Các vấn đề gặp phải đối với hạm đội của không quân vốn được dùng để chuyên chở các giới chức cấp cao của Mỹ không phải là mới và các bộ trưởng từ lâu vẫn phàn nàn về những chiếc máy bay họ phải sử dụng cho các chuyến công du chính thức.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng gặp phải vài sự cố máy bay thời còn tại chức, trong đó có vụ việc một lốp máy bay bị nổ trong hạ cánh tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.