Trịnh Cung tái xuất sau 20 năm vắng bóng

TPO - Họa sĩ Trịnh Cung là một trong những tên tuổi hàng đầu của làng mỹ thuật Việt Nam trước năm 1975. Nhưng từ lâu, ông đã giấu mình và cũng giấu luôn cả những đứa con tinh thần của mình trong suốt một thời kì mà ông gọi là ‘tự kỉ’.

Hai mươi năm sau triển lãm cuối cùng ở Hà Nội, bốn mươi năm sau triển lãm cuối cùng ở Sài Gòn, họa sĩ Trịnh Cung bất ngờ trở lại với triển lãm mang tên "Ngộ" và chia sẻ về những điều ông đã nhận ra sau nhiều năm "tự kỉ".

Họa sĩ Trịnh Cung tái xuất sau nhiều năm giấu mình.

"Ngộ" bao gồm các tác phẩm mới nhất của Trịnh Cung, 9 phác họa than chì và 7 bức sơn dầu khổ lớn, tạo nên chuỗi chuyển động không ngừng nhằm đưa ra cái nhìn trực diện về bản ngã và tính dục.

Họa sĩ Trịnh Cung là một trong những tên tuổi hàng đầu của làng mỹ thuật Việt Nam trước năm 1975. Nhưng từ lâu, ông đã giấu mình và cũng giấu luôn cả những đứa con tinh thần của mình trong suốt một thời kì mà ông gọi là ‘tự kỉ’.

Họa sĩ Trịnh Cung chia sẻ: “Đã lâu rồi tôi không làm triển lãm, do tôi vẽ ít và cũng do những xáo trộn của cuộc sống riêng chung. Điều đó khiến tôi như người mắc chứng trầm cảm, hay khắc nghiệt với những gì tôi vẽ ra. Tôi đã cuốn chúng tại, nhốt chúng trong một chiếc ống, bắt chúng di chuyển cùng tôi từ nơi này đến nơi khác để tìm cho ra một thiên đường, cho tôi và cho chúng.”

Và cuối cùng, hôm nay, ở tuổi 77, tôi "Ngộ" ra, chúng cần phải được giải thoát khỏi tôi, chúng phải được sống và được chơi như những đứa trẻ.”.

Trịnh Cung chia sẻ với khán giả về triển lãm của mình.

Chín bức phác họa than chì được trưng bày tại triển lãm lần này là hình ảnh về 9 cây sồi khác nhau, được tác giả thực hiện trong thời gian ông sống cô độc, lang thang đi tìm "tiếng nói của con người" ở thành phố Arcadia (Mỹ).

Lạc lõng giữa dòng xe cộ, giữa những ngôi nhà đóng kín cửa…, Trịnh Cung bỗng "ồ" lên mừng rỡ khi nhận ra bóng dáng con người thấp thoáng dưới thân cành của những cây sồi trong công viên.

Bức "Cây sồi 4" phác họa một cây sồi có hình dáng phụ nữ.

Bức "Cây sôi 1" phác họa một cây sồi có hình dáng nam.

Không chỉ mang đến những góc nhìn khác nhau về bản ngã, Trịnh Cung còn thể hiện sự trân trọng đối với phụ nữ nói chung, và với người vợ yêu quý của ông nói riêng – nhà thơ Phương Lan, người đã "tái sinh" Trịnh Cung sau khi ông tưởng cuộc đời mình chấm dứt vì căn bệnh ung thư cách đây hơn 10 năm.

Là một nhà thơ trẻ, kém chồng hơn 40 tuổi, chính tình yêu nồng nhiệt của Phương Lan đã mang đến cho Trịnh Cung một luồng sinh khí mới, trẻ hóa tâm hồn ông và cả những tác phẩm nghệ thuật của ông.

Bức tranh sơn dầu "Mùa trứng rụng" ca ngợi thiên chức tái tạo cuộc sống của người phụ nữ.

Bức chân dung 'Đôi chúng' mà họa sĩ Trịnh Cung vẽ mình và người vợ thân yêu.

Triển lãm ‘Ngộ’ của họa sĩ Trịnh Cung sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 20/1 tại Manzi Art Space, số 14 Phan Huy Ích. Trong thời gian triển lãm, họa sĩ Trịnh Cung cũng sẽ có buổi trò chuyện về tác phẩm và kỹ thuật vẽ sơn dầu của ông vào tối 14/1ở cùng địa điểm.