Triều Tiên vẫn im lặng trước chiến thắng của ông Biden

TPO - Ông Joe Biden dường như đã chắc chắn trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Cách ông và chính quyền mới xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên như thế nào sẽ được quan tâm nhiều.
Ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Hà Nội. (Ảnh: AP)

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden gọi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un là “nhà độc tài” và “côn đồ”, và chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã kết bạn với ông Kim.

Nhưng ông Biden vẫn để ngỏ cánh cửa cho khả năng hai bên tổ chức gặp thượng đỉnh, với điều kiện Bình Nhưỡng phải cam kết đưa bán đảo Triều Tiên thành “vùng phi hạt nhân”.

 Triều Tiên cũng chỉ trích ông Biden, người từng làm phó tổng thống 2 nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama từ năm 2009-2017, gọi ông là “người có IQ thấp” và “bị lấn át bởi tham vọng quyền lực”.

 Những chỉ trích gay gắt qua lại giữa ông Kim và ông Biden tương phản với quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với ông Trump.

 Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau trực tiếp 3 lần, trao đổi nhiều thư qua lại từ tháng 8/2018 và cố gắng đạt được một thỏa thuận để dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy nới lỏng trừng phạt.  Nhưng những việc làm đó không dẫn đến kết quả thực chất đáng kể nào.

 Tuần trước, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết, cô Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui đang lên kế hoạch để đàm phán hạt nhân với chính quyền tiếp theo của Mỹ.

 Dù ông Kim chủ động tăng cường quan hệ với lãnh đạo các nước đồng minh như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng Bình Nhưỡng đến nay vẫn chưa lên tiếng sau khi ông Biden được báo chí Mỹ đưa tin đắc cử.

 Khi ông Trump đắc cử năm 2016, báo chí Triều Tiên không đề cập đến người thắng cử. Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên hồi đó nói rằng chính quyền Obama đã trao gánh nặng lớn hơn lên vai chính quyền mới.

 10 ngày sau, tên ông Trump được Triều Tiên nhắc đến lần đầu tiên khi chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã gửi điện mừng đến ông Trump.

 Khi ông Obama đắc cử năm 2008, Bình Nhưỡng phản ứng tương đối nhanh, nói rằng ông Obama đã đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa John McCain.

 Triều Tiên hồi đó có vẻ đã thở phào khi đại diện của đảng Dân chủ sẽ lên cầm quyền, do chính quyền Cộng hòa trước đó rất cứng rắn với Bình Nhưỡng.

 Thế rồi kỳ vọng của Triều Tiên tan biến sau khi chính quyền Obama áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, trong khi tiếp tục gây sức ép kinh tế lên Bình Nhưỡng.

 Khi ông George W. Bush đắc cử năm 2000, đài truyền hình trung ương Triều Tiên KCBS chỉ đưa tin 4 ngày sau khi ông Bush được tuyên bố sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới. “Tòa án tối cao xác nhận chiến thắng của ứng viên Cộng hòa Bush, thống đốc Texas, là người chiến thắng mà không làm rõ những vấn đề về phiếu bầu ở Florida”, KCBS bình luận.

 Quan điểm cứng rắn của chính quyền Bush với Bình Nhưỡng, với việc dán nhãn cho nước này là một thành phần của “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq, khiến Triều Tiên bỏ qua việc đưa tin về việc ông Bush tái đắc cử năm 2004.

 Theo các nhà phân tích, có thể ông Biden sẽ có cách tiếp cận chậm hơn với Bình Nhưỡng, bắt đầu từ cấp làm việc và có thể sẵn sàng tăng cường trừng phạt Triều Tiên cho đến khi nước này chấp nhận tiến hành các bước phi hạt nhân hóa thực chất.

 Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng ông Biden có thể không quay lại với chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, mà cách làm sẽ dựa trên những tiến triển mà hai nước đạt được trong 3 năm qua.

Theo theo Reuters, Korea Herald