Triều Tiên quay lại 'bài cũ'?

TP - Vài tuần trước khi Triều Tiên phóng tên lửa và vũ khí dẫn đường hôm 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gạt bỏ đề xuất của Bộ Tài chính về việc thắt chặt trừng phạt kinh tế Triều Tiên.
Hình ảnh Triều Tiên công bố về cuộc “diễn tập tấn công” bằng bệ phóng đồng loạt và tên lửa dẫn đường chiến thuật ảnh: KCNA

Nguyên nhân được thư ký báo chí của ông Trump tiết lộ là: “Tổng thống Trump thích Chủ tịch Kim và ông ấy không nghĩ các biện pháp trừng phạt đó là cần thiết”.

Nay, gần một năm sau thử nghiệm táo bạo về sức mạnh của ngoại giao cá nhân, ông Trump đã tiến đến giới hạn của nó. Ông có lẽ đã thấy rằng tình bạn giữa lãnh đạo của hai đối thủ hạt nhân có thể trở thành một chương trình truyền hình ăn khách, nhưng không phải một chiến lược chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sau khi đạt được vài lợi ích kinh tế hữu hình từ 2 cuộc gặp thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nay có vẻ đang quay lại với sách lược kinh điển của bố và ông nội ông. Hôm 4/5, Triều Tiên triển khai cuộc “diễn tập tấn công”, dùng bệ phóng đồng loạt để bắn các vũ khí chiến lược dẫn đường ra vùng biển phía đông, dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim, KCNA đưa tin. Giới phân tích cho rằng bước đi này là nhằm gia tăng áp lực để buộc ông Trump trở lại bàn đàm phán. Và khi ông Trump đang bước vào giai đoạn tái tranh cử cho cuộc đua năm 2020, chiến lược đó có thể đe dọa thứ mà Tổng thống Mỹ tự hào như một sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn của ông, tước đi những khoảnh khắc mà ông tuyên bố là đã mang hòa bình đến nơi những người tiền nhiệm của ông không làm được.

Nhưng trên thực tế, hoà bình không đi được xa. Trong năm qua, Triều Tiên vẫn sản xuất thêm vật liệu hạt nhân và biến một phần trong số đó thành vũ khí mới, theo báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ trình lên Quốc hội vào cuối tháng 1 năm nay. Và giờ thứ mà ông Trump gọi là thành tựu lớn nhất của ông trong vấn đề Triều Tiên - dừng tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa - đang bị treo lơ lửng, báo New York Times đánh giá.

Theo Hàn Quốc, vũ khí Triều Tiên bắn vào sáng 4/5 là tên lửa tầm ngắn, bay từ 42-124 dặm ra ngoài khơi Wonsan. Khoảng cách này loại trừ khả năng Triều Tiên đã khôi phục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tầm trung. Báo chí Triều Tiên cho biết đó là các tên lửa và “vũ khí dẫn đường chiến thuật”.

Để hạ thấp nguy cơ Triều Tiên khiêu khích và mở rộng sản xuất hạt nhân, ông Trump viết trên Twitter vào cuối ngày 4/5: “Tôi tin ông Kim Jong Un hiểu đầy đủ tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên, và sẽ không làm gì để gây trở ngại hoặc chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết tôi ủng hộ ông ấy và không muốn thất hứa với tôi. Thoả thuận sẽ đến”.

Nhưng đợt thử vũ khí vừa qua được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11/2017. Dù Triều Tiên chưa đi xa đến mức vi phạm lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, vụ phóng hôm 4/5 cho thấy Triều Tiên đang “chơi đùa” với ý tưởng này, các nhà phân tích nhận định.

Ngày càng bi quan

“Vụ phóng thử hôm 4/5 cho thấy ông Kim Jong Un đang ngày càng bi quan” với khả năng có thể thỏa thuận với ông Trump, báo New York Times dẫn đánh giá của ông Lee Byong-chul, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul.

“Sẽ có một số sự điều chỉnh nhỏ trong hành vi của Triều Tiên, tuỳ thuộc vào cách phản ứng của Mỹ. Nhưng về lâu dài, ông Kim rõ ràng đã quyết định đi theo cách của mình”, ông Lee nói.

Bằng cách thử các vũ khí với tầm xa tăng dần, ông Kim dường như đang bước đi thận trọng. Bắn vũ khí tầm ngắn có thể là giúp phá thế bế tắc trong đàm phán mà không kích động ông Trump quá nhiều, các nhà phân tích đánh giá.

Kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân là chuyện đã quen thuộc với Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng “mô hình và cách làm lần này cũng không khác nhiều”. Chính quyền Trump vẫn khẳng định cách tiếp cận của họ với Triều Tiên khác hoàn toàn với những chính quyền trước.

Đợt thử vũ khí hôm 4/5 cho thấy thử tên lửa tầm xa có thể là bước đi tiếp theo của Triều Tiên. Nếu làm như vậy, ông Kim có thể làm hỏng nỗ lực thân thiện với Trung Quốc gần đây, cũng như với Nga sau cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin vừa qua.

Theo một số nhà phân tích, đối với một đất nước mà Mỹ chỉ chú ý vì kho vũ khí hạt nhân, ông Kim có thể hiểu rằng cách chơi duy nhất của ông hiện nay là đe dọa thỏa thuận mà ông Trump rất khát khao.