Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng Washington đã dội gáo nước lạnh vào mọi tín hiệu lắng dịu giữa hai miền Triều Tiên bằng cái mà Bình Nhưỡng gọi là “cuộc tập dượt chiến tranh” của Mỹ.
Bài báo nhấn mạnh: “Mỹ có âm mưu chấm dứt ngay lập tức sự tan băng trong quan hệ liên Triều sau khi ngọn đuốc Thế vận hội tắt. Mỹ đang gây chú ý với việc nối lại các cuộc tập trận với Seoul ngay sau khi thế vận hội bế mạc. Nguy cơ căng thẳng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Các khí tài chiến lược và đội quân quy mô lớn của Washington đang tiến tới Bán đảo Triều Tiên và các khu vực lân cận”.
Có khả năng Triều Tiên sẽ có các hành động khiêu khích nếu Seoul và Washington tiến hành các cuộc tập trận chung, động thái lâu nay bị Bình Nhưỡng chỉ trích là cuộc tập dượt cho hành động xâm lược Triều Tiên.
Gần đây, một động thái hòa giải hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên đã xuất hiện sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chấp nhận đề nghị của Hàn Quốc cử phái đoàn tham gia Thế vận Hội mùa Đông PyeongChang 2018. Trước đó, Seoul và Washington đã hoãn các cuộc tập trận chung thường niên cho tới sau khi kết thúc cả Thế vận hội và Thế vận hội dành cho người khuyết tật vào ngày 18/3 tới.
Dấu hiệu hòa giải thể hiện rõ hơn khi ông Kim Jong-un đã thông qua em gái là Kim Yo-jong - đặc phái viên được cử tới Seoul nhân dịp Thế vận hội - mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng. Đáp lại, ông Moon đã kêu gọi nỗ lực nhằm tạo ra các điều kiện phù hợp để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiềm tàng.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nêu rõ: "Chính phủ đang nỗ lực nhiều mặt để khôi phục các quan hệ liên Triều, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên". Ông cho biết thêm, hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về việc liệu Hàn Quốc có cử một đặc phái viên tới Triều Tiên hay không.