Trí thức trẻ xinh đẹp hiến kế xây dựng nhân lực chất lượng từ người yếu kém
TPO - Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019, các trí thức trẻ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" như mô hình giáo dục SARE nhằm kích thích sự ham học của học sinh yếu kém; gây quỹ học bổng, giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường...
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng
Tại Hà Nội ngày 27/11, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 diễn ra thảo luận các chuyên đề hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong bốn chuyên đề được thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung chia sẻ về việc bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực từ góc độ hỗ trợ tài chính, chương trình đào tạo mới.
Các nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu này sẽ được Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổng hợp và gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có thể áp dụng vào thực tế.
Tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (giảng viên ĐH Đà Nẵng) đề xuất giải pháp phát triển giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường. Giáo dục rất quan trọng cho quá trình mô phỏng khởi nghiệp, qua đó dạy cách điều hành doanh nghiệp và khuyến khích tư duy sáng tạo, ý thức về giá trị bản thân. "Bên cạnh kiến thức và kỹ năng trong kinh doanh, giáo dục khởi nghiệp chủ yếu phát triển niềm tin, giá trị và thái độ nhất định, giúp sinh viên thực sự coi khởi nghiệp sáng tạo là một lựa chọn nghề nghiệp. Giáo dục khởi nghiệp không chỉ tạo ra doanh nhân mà còn tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức và kĩ năng", chị Huyền nói.
Không chỉ lắng nghe, phản biện các sáng kiến, ý tưởng, các đại biểu còn đề xuất góp ý thêm nhiều giải pháp mang đến sự phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn khi triển khai.
Tiến sĩ Hoàng Hà Thi (ĐH Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo trình bày về Dự án Học bổng “Việt Nam Quê hương tôi”. Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại quê hương được tiếp tục đến trường. Nhóm thực hiện dự án học bổng này ước tính chỉ 1% du học sinh tham gia dự án sẽ giúp được 1,300 học sinh tại Việt Nam tiếp tục đến trường.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (trường Johns Hopkins School of Medicine, Mỹ) chia sẻ về chương trình giáo dục mang tên SARE với mong muốn thông qua giáo dục để cải thiện và kích thích tiềm năng của đối tượng học học sinh yếu kém. Ý tưởng của chương trình là thông qua việc tăng cường thực hành, thực nghiệm nghiên cứu khoa học để khuyến khích sự ham học hỏi và nâng cao vai trò của học sinh, sinh viên trong môi trường trường học.Chương trình này đã được thực hiện ở Baltimore, Mỹ trong 10 năm và giúp nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp đại học và cấp 3 của học sinh địa phương.