Trận chiến khốc liệt
Khi những ca bệnh nặng vì COVID-19 đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, việc điều trị thành công cho bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh trở thành một kỳ tích, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy có thêm một tên gọi thân thương khác là “Bác sĩ 91”. Nhưng đó mới chỉ là thời điểm khởi đầu của sóng gió của cuộc chiến chống COVID-19 bởi vào tháng 7/2020 dịch đã bùng lên tại Đà Nẵng, tiếp đến là Bắc Giang, Đắk Lắk, Gia Lai...
Như một “con thoi” không có thời gian ngừng nghỉ, Bác sĩ 91 bất chấp mọi hiểm nguy, liên tục xuất hiện tại các điểm nóng, hỗ trợ đồng nghiệp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện thành công việc điều trị cho các ca bệnh nặng. Những tưởng đã được bình yên trở về với công việc thường ngày nhưng cuộc chiến thực sự với kẻ thù vô hình lại diễn ra tại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ 30/4.
Số ca nhập viện không ngừng tăng cao, TPHCM phải liên tiếp lập ra 25 bệnh viện dã chiến, trong đó có Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường nơi bác sĩ Thanh Linh là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn. “Đó là thời điểm tôi không muốn nhắc lại mà chỉ muốn quên đi. Bệnh nhân chuyển đến toàn là những ca bệnh nặng và nguy kịch nhưng khả năng đáp ứng của bệnh viện khi mới thiết lập còn hạn chế. Nhiều đêm tôi không tài nào chợp mắt được bởi hình ảnh đau đớn của người bệnh. Những lúc như thế, tôi lại cùng các đồng nghiệp đi đến từng giường bệnh để thăm khám, làm được gì cho người bệnh thì cố gắng tận sức mình”, bác sĩ Linh nhớ lại.
Nhớ lại những ngày phải cấp cứu cho những thai phụ, sản phụ trong cơn nguy kịch PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM bùi ngùi: “Thời điểm chưa được chích ngừa vắc xin, người bình thường mắc COVID-19 cũng đối mặt với nguy cơ diễn tiến nặng, với những phụ nữ đang mang thai, nguy cơ rơi vào nguy kịch cao hơn rất nhiều lần. Trong giai đoạn dịch bùng phát tại TPHCM mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 thai phụ mắc COVID-19”.
Chỉ có một bệnh nhân nhập viện nhưng các bác sĩ phải chăm sóc cho 2 sinh mạng gồm thai phụ và thai nhi trong bụng. Những ngày đầu tiên khi dịch bùng phát, chúng ta chưa hiểu nhiều về COVID-19 và y tế còn thiếu thốn nhiều phương tiện, trang thiết bị và nhân sự nên nhiều thai phụ và thai nhi đã vĩnh viễn ra đi. “Người mẹ trở nặng, nhiều trường hợp cả mẹ lẫn con đã ra đi trên tay của chúng tôi đó là sự khốc liệt và nỗi ám ảnh mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được”, PGS Diễm Tuyết nghẹn ngào.
“Chỉ riêng đợt dịch thứ 4 đã có hàng chục nghìn cán bộ nhân viên y tế kể cả học sinh, sinh viên ngành y xung phong ra tuyến đầu chống dịch ở nơi nguy hiểm nhất. Khi khoác trên mình chiếc áo trắng, nhân viên y tế luôn ý thức được nhiệm vụ của mình nhưng cũng tự hào đóng góp chuyên môn cho cuộc chiến chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên
Chấp nhận hiểm nguy
Giữa “chảo lửa” đại dịch COVID-19 ngành y tế TPHCM đã phải huy động tối đa lực lượng và nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng Quân y cùng nhân viên y tế các địa phương tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Nhớ lại những tháng ngày gian nan, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, khoảng tháng 7 đến tháng 9/2021 công tác cấp cứu bệnh nhân gặp khó khăn chưa từng có. Oxy thiếu, tổng đài nghẽn mạng, xe cứu thương quá tải. Xe cứu thương không đủ phải chuyển đổi công năng xe taxi, xe chở khách để vận chuyển bệnh nhân.
Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng lên từng ngày, từ vài ca lên vài chục ca đến vài trăm ca, cao điểm ngày 23/8/2021 lên đến 340 ca tử vong. Bệnh nhân tử vong quá nhiều, lò thiêu không kịp. Để giảm số ca tử vong, hàng loạt bệnh viện hồi sức COVID-19 được thành lập nỗ lực cứu chữa người bệnh. Tổng hợp nhiều giải pháp phòng chống dịch đến nay đã giúp TPHCM kiểm soát tốt COVID-19 khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. “Những tháng ngày nhiều khó khăn giờ đây không ai muốn nhớ lại, nhưng chính điều đó đã giúp ngành y tế TPHCM thêm lớn mạnh, vững vàng hơn”, PGS Tăng Chí Thượng nói.
Tại buổi tọa đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Nhân viên y tế đã chấp nhận những ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải rời xa gia đình đi chống dịch trong thời gian dài, nhiều cặp vợ chồng đã hoãn cưới, nhiều nhân viên y tế không thể về chịu tang khi cha mẹ, người thân qua đời, nhiều nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ”.
Suốt 2 năm căng mình chống dịch COVID-19 không thước đo nào có thể đong đếm hết sự hy sinh vất vả của nhân viên y tế khi phải gồng mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Y bác sĩ luôn là cứu tinh trong những tình huống đau thương nhất của cuộc đua giành lại sự sống cho cộng đồng với tâm thế không ai bị bỏ lại phía sau. Họ đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, quên đi nỗi sợ hãi, bất chấp nguy hiểm để người dân có cuộc sống yên bình.