Về đề xuất của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh, TS Tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, hiện tại chúng ta chẳng có bất kỳ một bằng chứng nghiên cứu nào công bố rằng tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao trong chương trình SGK Ngữ văn lớp 11 có tác động tiêu cực đến nhận thức của học sinh và gây ra những hậu quả xấu cho xã hội cả. Cho nên cùng lắm đây chỉ là một giả định mà cá nhân đưa ra sau khi nghiên cứu vấn đề lý thuyết thôi. Mà đã gọi là giả định thì đương nhiên tỉ lệ sai bắt đầu từ 50% trở lên. Còn bất cứ đề xuất thì nên chỉ đưa ra sau khi có bằng chứng định lượng được thực hiện bằng những phương pháp nghiên cứu được xã hội chấp nhận chứ không phải dựa trên việc một cá nhân cảm thấy hoặc cho rằng nó tác động xấu hay không.
Chí Phèo có thực sự có tác động xấu đến học sinh?
PV: Tác giả đưa ra đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 cho rằng, việc ca ngợi, ủng hộ, bảo vệ Chí Phèo là chúng ta đang cổ suý cho những hành vi sai trái? Là một nhà tâm lý, ông có sợ đọc xong tác phẩm, sẽ có tác động xấu đến học sinh?
Với tư cách một người đọc và một người học tác phẩm này thời học sinh phổ thông, cái còn đọng lại trong tôi cho đến hiện tại chỉ là sự cảm thương cho những thân phận thiện lương bị hoàn cảnh đẩy vào bước đường cùng, là tiếng kêu bạo liệt của nhân tính con người chống lại sự tha hóa bằng cái chết của Chí. Chẳng ai trong số những đứa học sinh chúng tôi hồi đó đọc xong Chí Phèo mà muốn đi uống rượu, rạch mặt hay hãm hiếp ai cả.
Chúng ta cũng có thể khảo sát ý kiến của các em học sinh lớp 11 hiện nay xem có ai muốn hành xử kiểu anh Chí sau khi đọc tác phẩm không? Nhưng với những gì tôi và học sinh thế hệ tôi trải nghiệm tin tác phẩm này cũng không tác động xấu đến hành vi nhận thức của học sinh như một số người đang lo sợ.
Nếu lập luận của tác giả đúng thì học sinh lớp 11 đã thành tội phạm hết rồi
PV: Ông đánh giá thế nào về những lập luận của anh Sóng Hiền “vạch tội” tác phẩm khi cho rằng, xét ở góc độ giáo dục thì tác phẩm tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11. Vì vậy những cái xấu dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những cái tốt?
Vâng, nếu lập luận này là đúng thì có lẽ tất cả các em học sinh lớp 11 đã phải thành tội phạm hết rồi mới phải. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì hàng ngày hàng giờ trên mạng internet, trên truyền thông nhan nhản thông tin liên quan đến bạo lực, chém giết, cưỡng hiếp... Tuy nhiên, hiện tại học sinh của chúng ta vẫn là những công dân tốt và phát triển theo hướng tích cực đấy chứ. Và giả sử nếu có một cá nhân học sinh nào đó có kiểu hành xử Chí phèo thì làm sao ta kết luận được là do ảnh hưởng từ tác phẩm chứ không phải những yếu tố khác.
Chúng ta có thể khảo sát ý kiến của học sinh lớp 11 hiện nay xem có ai muốn hành xử kiểu anh Chí sau khi đọc tác phẩm không? Còn tôi tin tác phẩm này không tác động xấu đến hành vi nhận thức của học sinh như một số người đang lo sợ.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ rất không đồng tình nếu chỉ vì sợ một xác suất nhỏ nguy cơ mà ra lệnh cấm, loại bỏ luôn những yếu tố tích cực khác. Mà càng cấm, càng loại bỏ thì người ta sẽ lại càng háo hức, càng tìm đọc cho bằng được nên về cơ bản sẽ không đạt mục đích như người đề xuất mong muốn. Tôi cho rằng chính những phát biểu của bạn trẻ, những người đọc tác phẩm mới là minh chứng rõ ràng nhất.
PV: Có ý kiến cho rằng, đề xuất này đặt ra yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý giáo dục, làm giáo dục và cả thầy cô khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung, chương trình nào vào giảng dạy cho các em cần có cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn. Là một nhà giáo dục tâm lý, anh có thấy nguy cơ tác phẩm này sẽ có tác động tiêu cực tới tâm lý và nhận thức của học sinh không?
Tôi cũng làm trong lĩnh vực giáo dục và tôi hiểu rằng đưa thông tin và sự kiện không phải là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em. Vì nếu cho rằng thông tin và sự kiện tiêu cực có ảnh hưởng đến hành vi nhận thức của các em thì chúng ta phải đề xuất bỏ hẳn môn Lịch sử đi vì trận chiến nào mà chẳng có bạo lực, có số lượng quân thù bị tiêu diệt, có trang thiết bị cơ sở vật chất bị phá hủy...
Trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành phát triển nhân cách của học sinh là giáo dục thái độ, niềm tin, cách thức các em diễn giải về các thông tin sự kiện mình thu nhận được. Chẳng hạn như một học sinh tin rằng những lời nói gay gắt của giáo viên là vì quan tâm và sự tiến bộ của mình thì dẫu giọng điệu hoặc phát ngôn có đôi chỗ không phù hợp thì học sinh vẫn trân trọng và vâng theo thầy cô của mình. Ngược lại, cũng là hành vi đó nhưng được học sinh cho rằng đó là vì sự thiên vị hoặc bất công thì học sinh sẽ mất đi niềm tin và sự tôn trọng đối với thầy cô đó và thậm chí có thể có thái độ sai với nghề giáo nói chung.
Yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành phát triển nhân cách của học sinh là giáo dục thái độ, niềm tin, cách thức các em diễn giải về các thông tin sự kiện mình thu nhận được.
Theo tôi, một số hành vi tiêu cực của nhân vật trong một tác phẩm văn học sẽ không ảnh hưởng xấu đến hành vi nhận thức của học sinh nếu người giáo viên dẫn dắt học trò nhìn thấy những bản chất thiện lương của người nông dân trước khi trở thành Chí Phèo, căn nguyên đẩy nhân vật có những hành vi lệch chuẩn cũng như sự trỗi dậy của mầm thiện lương trong con người Chí khi kết thúc câu chuyện. Và tôi tin đó là điều tất cả các thầy cô sẽ làm khi hướng dẫn học trò cảm thụ tác phẩm.
PV: Anh Hiền cho rằng, muốn giáo dục dân chủ và là tiền đề cho giáo dục liberal, thì tư duy của người thầy phải dân chủ và khai phóng? Ông thấy ý kiến này thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý. Đó là điều cá nhân tôi cũng luôn tâm niệm phải giữ trong cách tư duy của mình. Sẽ luôn trân trọng ý kiến của sinh viên dẫu đó là những ý kiến kỳ lạ và khác biệt. Cũng luôn nghi ngờ những điều mình đã biết đã tin không phải là đúng bất biến. Cố gắng nhìn nhận diễn giải sự việc theo hướng khách quan, dựa trên bằng chứng và hạn chế tối đa cảm nhận chủ quan.
Xin cảm ơn ông!