Tranh cãi xung quanh cụm từ 'kimono'

TP - Trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, một ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ đã gây ra tranh cãi khi sử dụng từ “kimono” trong một dự án thương mại.
Trang phục Kimono truyền thống

Ngôi sao Kim Kardashian West, nổi tiếng với thân hình “siêu vòng ba’’, bị cáo buộc có hành vi không đúng đắn về văn hóa khi cho ra mắt một thương hiệu trang phục đồ lót ôm sát người, có tên gọi “Kimono”.

Cô Kim hồi tuần rồi đã lên mạng xã hội thông báo khai trương một thương hiệu đồ lót lấy cảm hứng từ da thịt đàn bà với nhiều tông màu. Bà mẹ bốn con này tung ra nhiều hình ảnh người mẫu mang loại đồ lót mới trên mạng nhắn tin Twitter, cùng với trạng thái đi kèm: “Cuối cùng tôi cũng có thể chia sẻ với các quý vị dự án này, dự án mà tôi đã phát triển trong vòng một năm qua. Tôi đã nghĩ đến nó suốt 15 năm ròng”. “Kimono là nỗ lực của tôi trong việc giúp phụ nữ có giải pháp giúp thân hình cân đối”.

Trang web được lập ra để giới thiệu sản phẩm và dự án nói: “Kimono là đỉnh cao đúc kết các kinh nghiệm cá nhân của cô Kim về đồ lót hỗ trợ làm đẹp hình thể, bắt nguồn từ đam mê tạo ra giải pháp mang tính kỹ thuật cho tất cả mọi người”.

Nhưng điều gây tranh cãi là có vẻ Kim Kardashian đã lấy cụm từ “kimono” để làm nhãn hiệu cho các loại trang phục đồ lót này. Theo tờ Business Insider, tìm kiếm trên kho dữ liệu của Văn phòng Bản quyền và Nhãn hiệu Mỹ cho thấy thương hiệu Kimono Intimates Inc. áp dụng cho một loại nhãn hàng hóa và đã có font chữ, thiết kế riêng.

Đã từ rất lâu, kimono được xem là quốc phục, là hình ảnh biểu trưng của con người và văn hóa Nhật Bản. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Chính vì kimono có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Nhật nên chuyện cô Kim lấy từ  này làm nhãn hiệu đồ lót đã gây ra phản ứng từ nhiều phía.

Thị trưởng thành phố Kyoto, một trong những đô thị lớn nhất Nhật Bản, đã viết thư ngỏ gửi tới Kardashian West kêu gọi cô này cân nhắc lại dự án thương mại của mình.

“Chúng tôi cho rằng tên gọi “Kimono” là tài sản được chia sẻ với toàn nhân loại, những người yêu mến Kimono và văn hóa hàm chứa trong đó và do vậy chúng không thể được độc quyền”, ông Daisaku Kadokawa viết.

“Tôi muốn cô đến thăm Kyoto, nơi nhiều loại hình văn hóa Nhật Bản trong đó có Kimono đã và đang được gìn giữ, để cảm nhận cốt lõi tinh thần văn hóa Kimono và hiểu suy nghĩ của chúng tôi, mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi”, ông viết thêm.

Đã có rất nhiều người, ở nhiều khu vực, bày tỏ sự bất bình với cô Kim. Nhiều người bày tỏ sự tức giận trên mạng khi sử dụng cụm từ khóa hashtag #KimOhNo (chơi chữ từ “Kimono” thành “Kim, ôi, không”.

Một người Mỹ gốc Nhật ở San Francisco tên là Yuka Ohishi nói trên đài CNN: “Tôi đã không hài lòng khi một số công ty sử dụng từ kimono để tiếp thị quần áo và đồ tắm biển. Nay Kim Kardashian đạt đến một đỉnh cao mới khi sử dụng nó như một kiểu bỡn cợt. Các loại trang phục của cô ta không có chút gì liên quan đến Kimono Nhật Bản. Cô ta không có chút tôn trọng nào cả”.

Phản ứng trước đống “gạch đá” dành cho mình, ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ đã gửi tới New York Times một thông cáo, nhấn mạnh rằng cô ta không thay đổi tên của dòng sản phẩm sắp ra mắt.

Cô Kim mặc đồ lót nhãn hiệu Kimono

“Tôi đã không hài lòng khi một số công ty sử dụng từ kimono để tiếp thị quần áo và đồ tắm biển. Nay Kim Kardashian đạt đến một đỉnh cao mới khi sử dụng nó như một kiểu bỡn cợt. Các loại trang phục của cô ta không có chút gì liên quan đến Kimono Nhật Bản. Cô ta không có chút tôn trọng nào cả”. 
Một người Mỹ gốc Nhật nói trên CNN