Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung này ở miền bắc Philippines hồi đầu năm nay trong khuôn khổ các cuộc tập trận quân sự thường niên với đồng minh lâu năm, và quyết định giữ lại hệ thống này mặc dù Bắc Kinh chỉ trích điều này gây bất ổn cho châu Á.
Hệ thống phóng tên lửa Typhon có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6. Việc Washington triển khai vũ khí này tới châu Á càng làm gia tăng bất ổn trong một khu vực vốn đã căng thẳng bởi nguy cơ chiến tranh, theo ICFC.
Âm thầm triển khai
Việc triển khai hệ thống Typhon có khả năng phóng tên lửa tầm trung tại Philippines bắt đầu từ năm 2019, khi Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô. Hệ thống này mới chỉ hoạt động trong năm qua.
Vào tháng 4/2024, quân đội Mỹ âm thầm triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon tới Philippines trong các cuộc tập trận quân sự Balikatan 24 và Salaknib 24. Họ đã đặt hệ thống này tại khu vực cực bắc của Luzon, nhắm mục tiêu vào eo biển Bashi và eo biển Đài Loan.
Khi thông tin về việc triển khai hệ thống tên lửa xuất hiện trên báo chí, Washington thông báo rằng hệ thống Typhon chỉ được triển khai trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận quân sự. Tuy nhiên, sau khi các cuộc tập trận kết thúc, hệ thống này vẫn được giữ lại.
Hệ thống Typhon có khả năng phóng các tên lửa SM-6 và Tomahawk. Số lượng và loại tên lửa đã hoặc sẽ được triển khai tới Philippines chưa được công bố. SM-6, được sản xuất từ năm 2009, có chi phí mỗi đơn vị là 4,87 triệu USD và có thể dùng làm vũ khí phòng không hoặc chống hạm tốc độ cao. Tomahawk chủ yếu được thiết kế để tấn công đất liền và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc và Nga đều đã chính thức phản đối sự hiện diện gây bất ổn về địa chính trị của hệ thống tên lửa tầm trung này tại châu Á. Vào tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn việc triển khai hệ thống Typhon tới Philippines để biện minh cho tuyên bố rằng Nga sẽ nối lại sản xuất các loại tên lửa hạt nhân tầm trung và ngắn, theo RT.
Một cuộc tranh cãi chính trị đã bùng nổ tại Philippines. Nhiều thượng nghị sĩ đã phát biểu rằng sự hiện diện của hệ thống tên lửa khiến Philippines trở thành mục tiêu chiến tranh của Trung Quốc. Quân đội Philippines tuyên bố rằng hệ thống này sẽ được dỡ bỏ khỏi đất nước trước tháng 9/2024, Philstar đưa tin.
Tuy nhiên, vào ngày 19/9, một báo cáo của Reuters tiết lộ hệ thống Typhon sẽ không bị loại bỏ mà sẽ được giữ lại ở Philippines vô thời hạn.
Thông báo về việc giữ lại các tên lửa này đến từ quân đội Philippines; Văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. không đưa ra bất kỳ ý kiến nào. Phát ngôn viên của quân đội, Đại tá Louie Dema-ala, nói rằng, “quyết định hệ thống tên lửa sẽ ở lại bao lâu là phụ thuộc vào Lục quân Mỹ Thái Bình Dương (USARPAC)”.
Một tên lửa SM-6 được phóng từ miền bắc Philippines có thể tấn công một tàu chiến ở bất kỳ đâu trên Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Với Tomahawk, hệ thống tên lửa Typhon có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi lên đến 2.500 km.
Với bán kính 2.500 km từ Cagayan ở miền bắc Philippines, phạm vi bao phủ toàn bộ Biển Đông, toàn bộ đất liền Đông Nam Á, toàn bộ bờ biển Trung Quốc kéo dài đến Bắc Kinh và sâu vào đất liền đến Thành Đô, toàn bộ Đài Loan, toàn bộ Hàn Quốc, và nửa phía nam của Nhật Bản.
Việc triển khai hệ thống Typhon tới châu Á được thực hiện nhờ việc chính quyền Donald Trump hủy bỏ Hiệp ước INF vào năm 2019. Hiệp ước INF cấm sử dụng các loại tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung trên đất liền bởi cả Mỹ và Nga.
Việc bán các loại tên lửa thông thường có tầm bắn trên 300 km bị cấm bởi Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, một thỏa thuận chính trị được thành lập bởi G-7 vào năm 1987. Do đó, Philippines sẽ “lưu trữ” các tên lửa này thay vì mua chúng.
Tháng 7/2024, Đức thông báo rằng Mỹ sẽ triển khai tên lửa Tomahawk tại Đức vào năm 2025, nhắm vào Nga. Đầu tháng 9, Japan Times đưa tin rằng Mỹ đã bày tỏ ý định triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tới Nhật Bản.
Trung Quốc phản đối
Trung Quốc đã nhiều lần lên án việc triển khai hệ thống tên lửa tại Philippines.
Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại Philippines và kêu gọi Philippines sửa chữa những hành vi sai trái của mình càng sớm càng tốt và nhanh chóng rút hệ thống tên lửa Typhon như đã cam kết công khai, Xinhua dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 23/12.
Bà Mao nói trong một cuộc họp báo hằng ngày rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại Philippines và đã nêu rõ sự phản đối này nhiều lần.
Theo bà, bằng cách đưa vũ khí tấn công chiến lược này vào, Philippines đang cho phép một quốc gia bên ngoài khu vực tiếp tay cho căng thẳng và thù địch trong khu vực, đồng thời kích động đối đầu địa chính trị và chạy đua vũ trang.
Bà nói rằng, động thái như vậy là khiêu khích và nguy hiểm, và là một lựa chọn cực kỳ vô trách nhiệm đối với người dân của mình và người dân của tất cả các quốc gia Đông Nam Á, đối với lịch sử và an ninh khu vực.
“Những gì khu vực cần là hòa bình và thịnh vượng, không phải hệ thống tên lửa hay xung đột. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Philippines hãy lắng nghe lời kêu gọi của các nước trong khu vực và người dân của họ, sửa chữa những hành vi sai trái của mình càng sớm càng tốt, nhanh chóng rút hệ thống tên lửa Typhon như đã cam kết công khai và ngừng đi sâu hơn vào con đường sai trái”, bà Mao nói.
Vào tháng 5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho rằng việc triển khai này mang lại “nguy cơ chiến tranh lớn vào khu vực”. Vào tháng 7, người phát ngôn khác của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Zhang Xiaogang, gọi đây là “một vũ khí tấn công chiến lược gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh” và không nên triển khai tại khu vực.
Vào ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian tuyên bố rằng việc triển khai này “đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực.” Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ, được ám chỉ một cách kín đáo là “bên liên quan”, “nhanh chóng rút hệ thống tên lửa ra như đã cam kết công khai.”
Một quan chức cấp cao của chính phủ Philippines, yêu cầu giấu tên, nói với Reuters rằng, “chúng tôi muốn khiến Trung Quốc mất ngủ”.
Khoảng cách giữa thung lũng Cagayan, nơi Mỹ triển khai hệ thống tên lửa, và Thượng Hải, khu vực đô thị đông dân nhất Trung Quốc, ít hơn vài trăm cây số so với khoảng cách giữa Havana và Washington DC. Mặc dù Trung Quốc cho đến nay chưa đáp trả bằng cách leo thang, việc Washington triển khai hệ thống Typhon tới Philippines đã bắt đầu có những điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, ICFC nhận định.
Xây căn cứ hải quân mới
Phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện về ngân sách năm 2025 của Philippines vào cuối tháng 9/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tiết lộ rằng Tổng thống Marcos đã chỉ đạo việc mua diện tích đất đai tại khu vực Vịnh Subic để xây dựng một căn cứ hải quân mới.
Vịnh Subic sẽ là một trong bốn căn cứ hải quân mới được xây dựng ở Philippines. Hải quân Philippines hiện nắm giữ 100 hecta tại Subic và dự kiến mở rộng và xây dựng thêm. Theo ông Teodoro, căn cứ hải quân mới dự kiến sẽ hoàn thành không muộn hơn cuối năm 2028. Căn cứ hải quân Subic từng là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 20 cho đến khi nó đóng cửa vào năm 1991.
Việc xây dựng một căn cứ hải quân mới tại Subic chắc chắn sẽ nằm trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), thỏa thuận cho phép triển khai lực lượng và vật liệu quân sự của Mỹ tại một số địa điểm mở rộng ở Philippines.