Trong cuộc làm việc với báo chí chiều 19-3, ông Nguyễn Đức Long Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, UBND quyết định thành lập ban quản lý ngày 5-3. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng hồ sơ. Ông Long chia sẻ, chuyên gia người New Zealand Paul Dingwall đến Ninh Bình ngày 5-3 với vai trò tư vấn. “Trước đây khi làm hồ sơ đăng ký với UNESCO thế giới, Ninh Bình trên cơ sở tư vấn các chuyên gia trong nước định tập trung vào tiêu chí 7: cảnh quan thiên nhiên và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo. Chuyên gia đi khảo sát tất cả khu vực Tràng An, mọi hang động, có khuyên ngoài hai tiêu chí trên, Ninh Bình nên quan tâm tiêu chí 5”.
Đại diện BQL cho biết, chuyên gia Paul Dingwall đi vào các hang động, như hang Trống, hang Bói phát hiện nhiều vỏ sò, vỏ ốc của các cư dân người tiền sử. Quần thể danh thắng Tràn An gồm 3 khu vực: Khu sinh thái Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc-Bích Động, khu Cố đô Hoa Lư. Trong đó, Ninh Bình dự kiến vùng lõi là toàn bộ hang động Tràng An. Từ 7 năm qua, ĐH Cambridge Anh hợp tác với địa phương trong quá trình khai quật.
Thực tế, ngày 27-9-2011, Chính phủ đồng ý cho Ninh Bình làm hồ sơ, sau đó địa phương đăng ký lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới và được UNESCO chấp nhận. Theo chuyên gia tư vấn, hiện nay trên thế giới có hơn 900 di sản, hơn 200 di sản thiên nhiên, trong đó 27 di sản thiên nhiên mang tính chất hỗn hợp cảnh quan thiên nhiên và địa chí địa mạo. Nếu Ninh Bình làm hồ sơ theo tiêu chí này chưa được tự tin lắm. Chính vì vậy, giải pháp nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ học là hướng đi mới cho khu di tích Tràng An.
Giám đốc Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết, hiện nay Ninh Bình chưa quyết định lập hồ sơ theo hướng nào; nhưng tích cực nghiên cứu tài liệu về địa chất địa mạo và cảnh quan qua báo cáo chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, ngay khi chuyên gia UNESCO khuyến cáo, Ninh Bình liên hệ làm việc với Viện Khảo cổ học, làm rõ tiêu chí định cư lâu dài trong quá trình tiến hóa của loài người. Thực tế, ngoài hơn 50 hang động nước, 40 hang động khô ở Tràng An có nhiều dấu tích khảo cổ học liên quan đến cuộc sống của cư dân người Việt cổ.
Dự kiến ngày 30-4, tỉnh Ninh Bình xác định tiêu chí rõ ràng lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài làm việc với các chuyên gia, tỉnh khảo sát, học tập kinh nghiệm lập hồ sơ di sản của Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng), Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long), Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long) và Thanh Hóa (Thành nhà Hồ). Khu quần thể di tích Tràng An luôn được ví như “Hạ Long trên cạn”.