Một nhân vật thường xuyên “sản xuất” thơ nương theo mỗi sự kiện văn nghệ đã mượn câu ca dao quen thuộc để nói về giải thưởng của Trấn Thành: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/Trấn Thành vai chính đăng quang/Mà sao không thấy cả làng vỗ tay”. Ngay cả những người đã xem “Cua lại vợ bầu” cũng nhận xét khác nhau về vai diễn của Trấn Thành. Có người cho rằng: Trấn Thành diễn tốt hẳn hoi, “lột xác ngoạn mục”, còn “Cua lại vợ bầu” thì hay và xúc động.
Nhưng rất nhiều người tỏ ra bất mãn: “Trấn Thành làm tôi cảm thấy giải thưởng này trở nên tầm thường”; “Giải thưởng là một sự hài hước nhưng hợp lý vì “Thánh Trần” là một diễn viên hài”; “Trấn Thành là điển hình của việc dễ dãi của ngành giải trí. Chỉ hoạt ngôn để mua vui mỳ ăn liền chứ trở thành hình tượng của nền điện ảnh nước nhà thì không”; “Vai diễn này mà đoạt giải nam chính của một liên hoan phim tầm cỡ quốc gia thì chẳng khác gì Adam Sandler thắng Oscar. Một thực tế đáng buồn của phim Việt” v.v.
Tất nhiên, cũng có một số người “ném đá” Trấn Thành quanh giải thưởng này, chỉ vì những lí do lãng xẹt. Có người bình luận: “Trấn Thành nhận giải như một trò đùa”. Song vị này lại đưa ra lí do không mấy thuyết phục: “Nhìn Trấn Thành tôi đã không thích”. Nhưng vẻ ngoài của Trấn Thành hình như không tệ. Anh là một trong những nam nghệ sỹ chịu khó chăm chút hình ảnh.
Nếu mặt Trấn Thành không có tội, tại sao nhiều người không ưa anh? Phải chăng vì độ phủ sóng của ngôi sao này quá rộng? Sự xuất hiện quá nhiều, có khi là ưu điểm, có lúc lại là nhược điểm, vì dẫn tới sự nhàm chán. Trấn Thành là một trong những mẫu nghệ sỹ đa năng: Làm MC, diễn hài, đóng phim, ca hát… Nhưng anh được khán giả biết đến nhiều hơn cả trong vai trò MC và diễn hài. Đến khi Trấn Thành nhận giải “Nam chính xuất sắc” khiến một bộ phận dư luận “sốc nhẹ” cũng là dễ hiểu: “Trấn Thành rất thành công trong vai hề… Đến mức khi vào vai điện ảnh biểu cảm của anh không tạo cảm giác nghiêm túc. Tôi không đánh giá cao khi trao giải cho Trấn Thành. Hãy nhìn Lan Ngọc đi… Mặc dù cũng rất thường xuyên xuất hiện hài hước trên sóng nhưng khi vào vai hoàn toàn khác hẳn”, một khán giả bình luận. Có thể Trấn Thành chưa thật sự thuyết phục trong giải thưởng này. Song mặt khác, “thượng đế” ở ta hình như cũng khó rũ bỏ định kiến khi đánh giá một nghệ sỹ hoặc một tác phẩm. Có ý kiến khẳng định chắc chắn: “Trấn Thành là thánh cười của chị em, không thể hóa thân trong những vai diễn có chiều sâu được”. Nếu cứ nhìn nghệ sỹ như vậy, thì Hoài Linh chuyên giả gái làm sao diễn tốt vai diễn tạo cảm xúc trầm như “Dạ cổ hoài lang”?
Ở ta danh hiệu “ao làng” đang lên ngôi. Giải thưởng nào cũng dễ bị gắn mác “ao làng”. Đến LHP Việt Nam giờ cũng bị cho là “ao làng”. Nhưng không phải không có lí. Giải thưởng được tiếng danh giá mà nam chính xuất sắc, nữ chính xuất sắc đều không có mặt nhận giải.