> Khi nhà thơ chơi “phây”
> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
Trần Lực nhận mình là kẻ may mắn. Anh sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật nổi tiếng. Bố anh chính là GS. NSND Trần Bảng. Mẹ là nghệ sỹ chèo Trần Thị Xuân. Ông nội Trần Tiêu, chính là em trai nhà văn Khái Hưng.
Thuở nhỏ thường theo mẹ đi biểu diễn nên những vở chèo như Quan Âm Thị Kính, Suý Vân… được anh thuộc lòng. Nhưng ông trời đã phú cho anh một vẻ đẹp trai dồi dào nam tính, nên nghệ thuật chèo khuyết một diễn viên và điện ảnh lại có thêm một gương mặt tài năng.
Một điều ít khán giả biết, Trần Lực không được đào tạo để trở thành nam tài tử, đạo diễn sân khấu chính là ngành học trong trường sân khấu điện ảnh của anh. Sau này, anh còn sang Bungari tu luyện nhiều năm.
Trở về nước đúng lúc điện ảnh của ta vào thời mở cửa, một tháng sau, Trần Lực đi thử vai trong “Chuyện tình bên dòng sông” của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, anh được đạo diễn chọn.
Ở “Chuyện tình bên dòng sông” anh đóng cặp cùng Lê Khanh, góp phần tạo nên một bộ phim ăn khách, đồng thời cũng kịp ghi tên mình trong lòng khán giả yêu phim ảnh. Anh cho rằng, mình sinh đúng thời, bởi vẫn là một Trần Lực đẹp trai ngời ngời, nếu sinh ở thời thị trường phim ảnh thiếu sức sống như hiện nay, sẽ chật vật hơn rất nhiều để gặt hái những thành công.
Đã bước vào nghệ thuật, không thành ngôi sao là… hỏng và phải là một ngôi sao chân chính, đi lên bằng tài năng, nỗ lực của chính mình.
NSƯT Trần Lực
Hiện tại, người ta nhắc nhiều đến Trần Lực trong vai trò chủ hãng phim Đông A. “Hào khí Đông A” thuở nào hình như cũng “phù trợ” cho Trần Lực. Trong thời buổi kinh tế chưa đi qua khủng hoảng, công ty của anh vẫn đứng được, giúp anh có đời sống thoải mái.
Anh khoe, mới làm xong 40 tập phim truyền hình “Làm chồng đại gia”. “Phim này tôi hơi tự tin một chút, nói về cuộc sống vợ chồng, yêu đương… những người có trải nghiệm xem sẽ thích, người chưa trải qua sẽ thấy tò mò”. Ở “Làm chồng đại gia” anh giữ vai trò sản xuất kiêm đạo diễn.
Hãng phim của anh cũng đang làm tiếp bộ phim “Đại ca U70”, một bộ phim tâm lí xã hội được anh quảng cáo “hóm hỉnh, hài hước, không khô cứng, không nói về người già có hoàn cảnh éo le”. Với “Đại ca U70” anh cho con trai cả thử sức với vai trò phó đạo diễn.
Lý do lập công ty riêng của Trần Lực, không phải chạy theo phong trào, cũng không mong làm giàu nhanh chóng: “Tôi thành lập hãng phim tư nhân vào năm 2002, giữa lúc người ta chui vào nhà nước không được thì tôi lại chui ra. Nó do tính cách dám làm, dám chịu, thích những cuộc phiêu lưu. Bỏ tiền ra đầu tư phim ảnh, có thể thắng, có thể thua nhưng khiến mình có cảm giác háo hức”. Tôi hỏi anh: “Bao giờ anh mới dừng phiêu lưu ?”, Trần Lực nói vui: “Đó là lúc tôi… thăng”.
Đam mê không mù quáng
Trụ sở của Hãng phim Đông A nằm ở đường ven Hồ Tây lộng gió. Đây cũng là nơi ở của Trần Lực và gia đình. Anh mời tôi ra quán cà phê ven hồ trò chuyện. Nhìn cách anh hút thuốc lá và búng mẩu thuốc sót lại bay… xuống hồ, gợi tôi nhớ đến nhân vật Rhett Butler trong cuốn tiểu thuyết được dựng phim “Cuốn theo chiều gió”.
Có một sức mạnh tiềm tàng, một sự ngang bướng ẩn giấu bên trong người đàn ông không còn trẻ ngồi trước mặt tôi. Anh kể một kỷ niệm với cha: Khi còn trẻ, anh đi cùng đám bạn, giật cái mũ cối của một người, nên bị công an bắt. Bố anh biết chuyện nhưng không ra đồn bảo lãnh cho anh trở về nhà.
Sau một đêm bị tạm giam, bố đến đón anh, đưa anh đi ăn phở, đói hoa mắt, anh cắm cúi ăn, ăn xong bố mới hỏi anh: “Một đêm tạm giam có thấy ghê gớm không?”, rồi ông khuyên nhủ: “Biết vậy, lần sau con đừng hành động như thế nữa”. Đó là bài học còn theo anh đến giờ, cuộc sống không ấm êm như vòng tay cha mẹ, không nuông chiều bất kể ai, muốn tồn tại, phải mạnh mẽ, phải tỉnh táo.
Ngay cả khi làm nghệ thuật anh cũng luôn nhắc mình: Không đam mê mù quáng. “Làm nghệ thuật cũng cần tỉnh táo, phải đứng lại xem mình làm gì, cứ cắm đầu vào đua theo đam mê, chỉ thất bại. Có những đạo diễn làm phim như lên đồng. Tôi cũng lên đồng nhưng chưa bao giờ để lí trí ngủ quên, kể cả khi làm đạo diễn hay làm diễn viên, ngay cả lúc đắm đuối nhập vai”.
Trong công việc, Trần Lực không để cảm tính chủ quan tác động. Anh thú nhận, có một số vai diễn, anh không thích nhưng vẫn nhận đóng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà anh đóng gượng ép, qua loa. Nhờ nghiên cứu kỹ kịch bản, dồn tâm huyết vào vai diễn mà dần dần anh đã tìm được cảm hứng. Trong kinh doanh phim ảnh, anh ít cho phép mình nói lời từ chối các đối tác: “Đã kinh doanh chuyên nghiệp thì không thể đầu hàng, có khó khăn phải tìm cách vượt qua. Làm kinh doanh hay lắm”.
Anh cũng bảo: “Làm diễn viên hay lắm”. Nhờ đóng phim anh được đi khắp nơi, từ vùng rừng núi heo hút tới miền biển nắng cháy, tất cả đã mang lại cho anh những trải nghiệm thú vị. Trần Lực so sánh: “Giống như nhà văn, làm diễn viên hay làm đạo diễn, phần kinh nghiệm, trải nghiệm luôn luôn cần thiết”. Cuộc sống đời thường cùng những chuyến đi giúp vốn sống của anh dồi dào. Thêm nữa, Trần Lực là người ham đọc sách từ thuở nhỏ. Bây giờ, công việc bận bịu, anh vẫn không ngừng đọc. Đang giảng dạy trong trường sân khấu điện ảnh, giữ vai trò chủ nhiệm một lớp đào tạo diễn viên, Trần Lực thường khuyên sinh viên, đừng bỏ sách, bởi thiếu nền tảng văn hoá, rất khó để trở thành diễn viên đích thực mà chỉ là “thợ diễn”.
Được khán giả biết đến qua nhiều bộ phim: “Chuyện tình bên dòng sông”, “Mẹ chồng tôi”, “Hoa ban đỏ”, “Anh chỉ có mình em”, “Người yêu đi lấy chồng”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”…nhưng Trần Lực vẫn không quen cách ứng xử như người của công chúng. Khen anh đẹp trai, anh cười xoà: “Đẹp trai à? Người ta cứ nói thế thôi”. Từng đóng cặp với những nữ diễn viên thuộc hàng mỹ nhân của điện ảnh Việt như Lê Khanh, Thu Hà, Chiều Xuân… bảo anh đào hoa, anh nhất quyết không nhận.
Làm bạn với con
Hãng phim tư nhân bây giờ không còn là “của độc”. Nhưng Trần Lực tự tin với Đông A: “Chúng tôi làm phim chuyên nghiệp. Những bộ phim truyền hình của chúng tôi thường dễ xem, dí dỏm nhẹ nhàng”.
Anh chia sẻ, thích làm phim hài, mấy năm trước anh thường làm loại phim này phục vụ tết. Bởi ngoài đời Trần Lực cũng là một người khá thoải mái, hài hước: “Muốn biết tôi hài hước ra sao hãy xem tôi chơi với các con”. Giáo dục con cái cũng giống như trồng cây, cần chăm sóc chu đáo nhưng cũng cần để chúng tự do hít thở khí trời.
Trần Lực có bốn người con, con trai cả đã 24 tuổi, theo nghiệp cha, học đạo diễn ở trường Sân khấu điện ảnh, sau đó sang Ý tu nghiệp một năm, hiện tại đã trở về Việt Nam, làm trong công ty của bố và không được hưởng bất kể chế độ ưu đãi nào hơn những nhân viên bình thường.
Con út của Trần Lực năm nay mới tròn hai tuổi. Anh thường ví von: “Làm đạo diễn cũng như nuôi con mọn”. Là con trai một người nổi tiếng như Trần Lực liệu có bị áp lực? Anh lắc đầu: “Tôi nói với con, không việc gì phải tạo áp lực cho mình, trong nghệ thuật mỗi người phải có phong cách riêng, hãy là chính con”. Anh bật mí: Anh không ép các con đi học thêm như nhiều cha mẹ vẫn thường làm.
Thèm đóng vai đểu
Trần Lực quan niệm: Là diễn viên phải đóng được mọi loại vai. Khao khát của anh là được đóng vai đểu bởi anh chưa được trải nghiệm với loại vai này: "Đạo diễn bảo, nhìn cái mặt tôi không ra mặt… đểu được”.
|
Đóng phim là một nghề vất vả. Khi đóng bộ phim “Chuyện tình bên dòng sông” Trần Lực mới từ Bungari trở về nước, trắng trẻo, thư sinh, để nhập vai người đàn ông lao động chân tay trên sông nước, anh đã phải đổ không ít mồ hôi. Đóng phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” cũng là một thử thách với Trần Lực, khi vai diễn không có quá nhiều đất để anh thể hiện tính cách nhân vật.
Ở vai trò “ông chủ” hãng phim anh tự thấy: Biết ít tốt hơn biết nhiều. “Làm phim thà mình đừng biết gì về lĩnh vực này, hoặc biết vừa phải thôi, thuê người khác làm cho khỏe. Khổ nỗi mình ở trong lò đó ra, thuê người khác làm nhiều khi không vừa ý, lại lăn xả tự làm. Thành ra vất vả”. Trần Lực hứa hẹn sẽ trở lại màn ảnh trong thời gian gần nhất, khi anh lựa được kịch bản phù hợp: “Không bao giờ tôi từ bỏ nghề diễn, đó là điều chắc chắn”.