Trần Đình Bá & hành trình tới chân lý

TP - “Lão tướng” Trần Đình Bá lại gọi tôi đến. Những “triệu tập” như thế, thường sẽ có một vụ đấu tranh chống tiêu cực mà nhà báo nổi tiếng chống tham những này muốn chia sẻ.
Bìa cuốn sách: Hành trình tới chân lý.

Bài báo về nhà công có ý kiến của Tổng Bí thư

Tóc bạc trắng rối bời, đôi mắt nhìn thẳng đầy ánh thép, đó là chân dung nhà báo Trần Bình Bá do nhiếp ảnh gia Trần Định chụp, đã thu trọn cái hồn vía lão tướng này. Gương mặt ấy cho tôi cảm nhận khí chất quyết liệt, không thỏa hiệp. Chống tham những nếu thiếu quyết liệt và dễ thỏa hiệp, chẳng khác nào “rung cây dọa khỉ” “đánh trống bỏ dùi”.

Trần Đình Bá đã không thỏa hiệp ngay từ bài báo chống tham nhũng lớn đầu tiên, khi ông đương đầu với vị quan chức hàm bộ trưởng nọ, cuộc chiến có vẻ không cân sức. 

Ông nhớ lại: “Khi bài báo gặp “đèn đỏ”, không đưa ra công khai nghĩa là vũ khí lợi hại của mình bị “nêm cất”, nhà báo chỉ có vũ khí duy nhất là bài báo và tờ báo. Tình thế tôi lúc đó như người ngồi trên lưng hổ, nhưng dây buộc hổ lại nằm trong tay người khác. Trong những ngày tháng có phần nao núng đó, tôi giở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đọc đi đọc lại nhiều lần. Thỉnh thoảng lại đọc “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L để tiếp thêm lòng can đảm và sức mạnh. Tôi nhớ câu “toàn dân nhổ sạch cỏ dại diệt trừ sâu rầy cho mùa màng phát triển tốt tươi”. 

Lời của đồng chí N.V.L trong một bài “Những việc cần làm ngay”. Với tất cả hy vọng và tin tưởng tôi quyết định viết thư và gửi cho đồng chí  Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi nhớ ngày 2/7/1987, tôi nhận được thư của Văn phòng Tổng Bí thư. Bức thư truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư “Nếu bài báo có nội dung tốt, chính xác, chân thực, có tác dụng xây dựng thì đồng chí Tổng biên tập quyết định cho đăng và đồng chí Tổng biên tập chịu trách nhiệm với bạn đọc”.

Bài báo được đăng gây xôn xao dư luận một thời, các cơ quan công quyền vào cuộc xử lý tương đối nghiêm túc.  Bài báo đoạt giải A giải báo chí toàn quốc năm 1987. Thế nhưng, đến hạn mà Đại úy Trần Đình Bá không được lên thiếu tá.

Ông tâm sự: Cái mà tôi muốn, cái mà chúng ta cần, là qua một vụ tiêu cực rất cụ thể của một cán bộ được phanh phui, được giải quyết, dần dần lập lại  trật tự kỷ cương và công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Lập ra một quy chế rõ ràng, sử dụng hợp lý có hiệu quả quỹ nhà ở chúng ta đang có. Tôi được biết có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người có công với cách mạng phải ở trong những túp lều. Tôi cũng biết nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước rất mẫu mực trong việc sử dụng nhà ở.

Tại sao chúng ta không xây dựng thành một quy chế? Ở Trung ương thì có nhà dành riêng cho các lãnh đạo cấp cao, ở tỉnh cũng vậy. Mỗi khi họ thôi chức, ngôi nhà đó chuyển giao cho cán bộ thay thế. Nếu chúng ta có quy chế nghiêm minh, thu hồi lại hàng ngàn ngôi biệt thự, đầu tư cải tạo thành những khách sạn cho người nước ngoài, cho khách du lịch thuê, chắc hằng năm thu được khoản tiền không nhỏ”.

Nhà  công giống như một  tấm chăn quá hẹp, người này ấm thì kẻ kia lạnh. Bản thân Trần Đình Bá cũng đã nếm trải cái “lạnh” đó khi gia đình ông phải chen chúc trong căn buồng rộng có 8m2 tiêu chuẩn của vợ ông công tác ở Văn phòng Chính phủ.

Một buổi chiều  khói trùm lên căn buồng 8m2 , mang theo mùi phân lợn của nhà bên, bỗng nghe tiếng từ ngoài cửa vọng vào: “Chúng mày ở thế này à? Nhà không ra nhà, chuồng lợn không ra chuồng lợn thế này hả?”.

Trần Đình Bá vừa nhỏm dậy và bất ngờ thấy Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đang lom khom lách người qua bếp.  Đồng chí dừng lại nhìn vào chái bếp, lúc đó mấy con gà bị hun khói kêu loạn xạ: “Chúng mày ăn ở chật chội thế này mà vẫn nuôi được gà hả?”.

Sau chuyến thị sát bất ngờ đó, Văn Phòng Chính phủ được cấp mấy chục nhà tập thể 24m2 ở Thanh Xuân Bắc. Vợ ông Trần Đình Bá nằm trong đợt phân phối nhà đó.

Chân dung nhà báo Trần Đình Bá qua ống kính của nhiếp ảnh gia Trần Định.

Chân lý luôn là hành trình gian nan

Nhà báo này tiếp tục  chống tham nhũng trong lĩnh vực nhà đất. Có vụ thắng tuyệt đối, có vụ thua trắng tay. Thắng tuyệt đối là vụ Thủy cung Thăng Long. Sau khi bị Trần Đình Bá và một số nhà báo khác phanh phui, hàng loạt quan chức  bị mất chức. Nhưng ít ai biết để có những bài báo “đánh” Thủy cung Thăng Long, Trần Đình Bá phải nghiên cứu điều tra nhiều tháng trời, phải đọc hàng vạn trang tài liệu, và chấp nhận trả giá nếu “thua”.

Bài “Chiếm đất hợp pháp” (QĐND ngày 12/01/1995) viết về hai Cty TNHH lừa đảo chính quyền từ cơ sở đến Trung ương, có sự tiếp tay của không ít quan chức để chiếm đoạt 16 ha đất ở quận 2 TPHCM. Bài đăng xong, đối tượng không kiện mà bay ra Hà Nội gỡ “rối”. Kết quả Trần Đình Bá  dù không sai nhưng vẫn bị kỷ luật - quân hàm bị ách lại.  Có thời kỳ, cây bút nổi tiếng này thậm chí chỉ được giao việc duy nhất là ngồi bàn giấy bóc phong bì thư từ bạn đọc gửi về.

Ông tâm sự: “Nếu so thì tham nhũng đất đai hồi những năm 80 thế kỷ trước với bấy giờ chẳng khác nào so tép với cá voi. Nhưng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nhà cửa làm vẫn chưa thấu đáo, bài bản, quyết liệt.

“Chống tham những trong lĩnh vực này là việc rất khó. Ông có hiến kế gì không?”. “Lão tướng” trả lời ngay câu hỏi của tôi, có vẻ ông đã nghiên cứu việc này từ lâu: “Có quyết tâm lớn, phải có phương pháp khoa học, và không phải quá khó. Nhà đất chúng ta không cần tập trung nhiều, chỉ cần tập trung vào từng khu vực nhất định.

Ví dụ đất ở  Phú Quốc, Bộ Tài nguyên & Môi trường có quyền kiểm tra đất đai  cấp sổ đỏ cho ai, và chỉ từng vị trí quy hoạch như thế nào. Từ đó Bộ Tài nguyên & Môi trường có thể yêu cầu tỉnh Kiên Giang nói rõ khu vực này đã cấp cho ai chưa, sổ đỏ đâu?

Ví dụ một khu biệt thự sang trọng, có nhiều quan chức lớn có nhà ở đó. Chỉ cần cơ quan chức năng kiểm tra. Có nhiều cách kiểm tra: yêu cầu chủ đầu tư cung cấp danh sách nhà có chủ... Nói chung, phải có cách làm riêng và đột phá vào những khu vực nhất định và phải dựa vào dân, lấy thông tin từ dân, trân trọng phân tích, mổ xẻ thì ra vấn đề.

Tưởng như đã nản vì những trận đấu trong lĩnh vực đất đai đôi khi giống “đánh nhau với cối xay gió”, nhưng nhìn cách ông say sưa nói, tôi thấy “lão tướng” lại muốn xung trận. Sau những bầm dập, cay đắng - hệ lụy từ những bài báo chống tham nhũng, ông vẫn thế, với cái nhìn quyết liệt  không thỏa hiệp. Đối với tác giả “Hành trình tới chân lý” thì chân lý  vẫn đang là một cuộc hành trình. 

Trần Đình Bá chính là nhà báo đầu tiên viết về việc tham nhũng nhà công của một quan chức hàm Bộ trưởng (quan chức ấy đã qua đời). Bài báo ấy viết cách đây hơn 30 năm, rúng động dư luận và được ví như một phát súng mở màn cho những trận đánh chống tham những của báo chí trong công cuộc đổi mới.

Sau lần đó, Trần Đình Bá cho ra đời cuốn sách “Hành trình tới chân lý”, kể về hậu trường đi tìm sự thật của bài báo lịch sử đó và đạt kỷ lục phát hành hồi ấy. Từ đó cho đến nay, ông vẫn đang trên cái hành trình tới chân lý này, dù là “hành lộ nan”…