Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM lại vừa đề xuất Chính phủ cho phép lưu hành xe buýt 12 -16 chỗ.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau năm 1975, TPHCM còn hàng nghìn xe lam, xích lô máy cũ chở khách. Năm 2002, UBND TPHCM lúc đó đã vận động các chủ phương tiện thay mới phương tiện để đảm bảo an toàn, hạn chế ô nhiễm. Ông Tuấn, xã viên hợp tác xã Bình Chánh nhớ lại: Hồi ấy TPHCM cho phép người dân mua xe tải nhỏ đời mới như Daihatsu, Suzuki, cải tạo thành xe buýt chở khách 12 chỗ, đẹp và chất lượng hơn xe lam. Để mua xe, xã viên phải bỏ ra 50 triệu đồng, vay trả chậm 70 triệu đồng.
Đến năm 2006, TPHCM có trên 500 xe buýt 12 chỗ, gầm thấp. Nhiều người chưa trả hết nợ thì Chính phủ ban hành Nghị định 110, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2008. Hàng trăm xe buýt 12 chỗ mới tinh đứng trước nguy cơ bị khai tử vì theo quy định mới, xe buýt phải từ 17 chỗ trở lên. Trước tình thế này, UBND TPHCM nhiều lần xin trung ương gia hạn sử dụng đến hết niên hạn của xe để hạn chế thiệt hại cho người dân.
Được phép tồn tại song xe buýt nhỏ không còn được ưu ái như xe buýt lớn. Cụ thể: Tiền trợ giá bị cắt giảm, chỉ còn áp dụng đối với xe 12 chỗ chuyển sang đưa rước học sinh.
Đánh đố?
Số xe buýt 12 chỗ đang hoạt động hầu hết có niên hạn sử dụng chở khách đến năm 2018. Theo Sở GTVT, TPHCM có gần 100 tuyến đường rộng từ 6 - 8m, 12 tuyến đường nhỏ hơn 6m, nếu sử dụng loại xe buýt 17 chỗ (mức tối thiểu theo Nghị định 110) thì cũng không thể hoạt động được. Việc mở rộng đường càng khó khả thi vì đường hẹp hầu hết thuộc khu vực trung tâm nội ô, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, chi phí bồi thường rất lớn.
Mới đây, làm việc với Bộ GTVT, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM sử dụng loại xe buýt từ 12 -16 ghế. Hiện nay, Sở GTVT đang xem xét việc cho đóng loại xe buýt nhỏ phù hợp với điều kiện thực tế. Đề xuất này cũng được lãnh đạo Sở GTVT một số tỉnh ủng hộ bởi dù hoạt động khu vực nông thôn, xe buýt nhỏ cũng rất phù hợp khi di chuyển trên các tuyến đường liên xã, qua các cây cầu hẹp, tải trọng cầu thấp.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định về “kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” Bộ GTVT đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn không đổi so với Nghị định 110.
Căn cứ theo các quy định trên thì xe buýt 12 chỗ hiện nay tại TPHCM không đảm bảo điều kiện lưu hành. Cụ thể là không có diện tích sàn xe dành cho khách đứng, thiết kế có trước nên không tuân theo quy chuẩn do Bộ GTVT ban hành.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định trên mang tính chất đánh đố. Ông Phan, kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy phân tích: kiểu dáng, thiết kế khung, sườn xe ô tô phải tuân thủ các nguyên lý về khí động học. Ô tô 17 chỗ ngồi, thiết kế gọn thì trần xe thấp để đảm bảo an toàn, làm sao làm sàn xe cho khách đứng được? Muốn có sàn cho khách đứng, xe phải từ 25 - 30 chỗ ngồi trở lên.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, xe buýt 12 chỗ tiện lợi và rất cơ động, có thể đóng vai trò trung chuyển khách từ các tuyến ngắn, đường nhỏ hẹp ra các trạm xe buýt chính. Trường hợp vướng quy định thì kiến nghị Chính phủ sửa đổi.
Thành hung thần do thiết kế gầm xe quá cao
Thống kê của Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, TPHCM xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt làm 11 người thương vong, gây bức xúc trong dư luận.
Theo một số chuyên gia giao thông, xe bus lớn trở thành “hung thần” còn do thiết kế đặc thù của xe bus loại này tại VN (có gầm cao 40-50cm) nhằm phù hợp với địa hình, đường, ngập nước. Gầm cao, khi va quẹt xảy ra, nạn nhân dễ văng vào gầm xe, bị bánh xe cán qua gây tử vong. Để hạn chế, cần hàn các thanh chắn để hạn chế chiều cao gầm đồng thời cải tạo lại hệ thống gương chiếu hậu thật tốt để tăng khả năng quan sát cho lái xe.