Ngày 13/11, bên lề Hội nghị sơ kết phong trào "Bảo đảm trật tự an toàn giao thông" giai đoạn 2017 – 2018, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã có cuộc trao đổi với báo chí về tiến độ thực hiện dự án hai tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Ông Võ Văn Hoan cho biết sau khi có ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao cho TPHCM thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư. TPHCM đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hoàn tất điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh tổng mức đầu tư cả hai dự án.
Vừa qua, TPHCM đã họp hội đồng thẩm định và kết luận về cơ bản không vượt tổng mức đầu tư theo quy định của Quốc hội. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về cơ bản đã chấp thuận với việc điều chỉnh của TPHCM.
Đối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, là 47.000 tỷ đồng, sau khi tổng rà soát lại toàn bộ các hạng mục công trình, loại bỏ những yếu tố không cần thiết, tổ chức tiết kiệm đấu thầu, đấu giá trong các chi phí, thay vì 47.000 tỷ đồng thì TPHCM đã tiết kiệm được 3.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh là 43.600 tỷ đồng.
Việc tiết kiệm 3.400 tỷ đồng từ dự án liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng và tiến độ thực hiện? Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định việc tiết kiệm vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án. Hiện nay, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 75% khối lượng, còn 25% khối lượng còn lại về cơ bản TPHCM đã nhìn nhận ra những yếu tố tác động đến nó và khả năng điều chỉnh rất ít.
Ông Hoan nói tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ ngày triển khai đến nay đã kéo dài gần 10 năm dù dự kiến chỉ thực hiện trong 5 năm. Thời gian triển khai dự án rất dài và trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng như chưa có cơ sở thực tiễn để triển khai thực hiện dự án metro nên trong quá trình triển khai thực hiện có những vướng mắc nhất định về pháp luật, về những cơ sở để xem xét lựa chọn…
“Khi làm nghiên cứu điều chỉnh về thiết kế kỹ thuật để chuẩn bị cho điều chỉnh tổng mức, khối lượng các chi tiết tính đến chục ngàn, trăm ngàn chứ không chỉ một vài chi tiết mà những chi tiết này nếu không có bước chuẩn bị kỹ lưỡng thì sau này kiểm tra, đánh giá đảm bảo đúng hay không đúng để thanh toán, quyết toán là một khâu rất khó”, ông Hoan giải thích.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 48.000 tỷ đồng. Trong kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm, UBND TPHCM sẽ trình hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư để HĐND TPHCM xem xét ra Nghị quyết bố trí vốn đầu tư. Nếu HĐND TPHCM thông qua được thì UBND TPHCM sẽ báo cáo Trung ương.
Đối với phần vốn đối ứng, TPHCM sẽ bố trí. Riêng phần vốn của Trung ương mà TPHCM vay lại thì sẽ đề xuất để Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn về cho TPHCM. Như vậy, những lần tạm ứng vốn từ ngân sách TPHCM cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên trước đây tính ra hơn 5.000 tỷ đồng, sau khi hoàn tất các thủ tục này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bố trí vốn và TPHCM sẽ có vốn để thanh toán cho các nhà thầu và hoàn vốn tạm ứng cho ngân sách.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm: TPHCM đang cùng các nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung khẩn trương triển khai thực hiện dự án để kết thúc vào cuối năm 2021.
Năm 2020, TPHCM sẽ cố gắng đưa Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị TPHCM đi vào hoạt động. Hiện nay, TPHCM đã có quyết định thành lập công ty, bổ nhiệm lãnh đạo công ty, bộ máy công ty, đang tuyển dụng nhân viên để đưa đi đào tạo, đã bố trí vốn để công ty hoạt động, chuẩn bị cho công tác vận hành tuyến metro số 1 vào năm 2021.
“Sau khi TPHCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương thì TPHCM sẽ có kinh phí từ Trung ương cấp về. Riêng về phía TPHCM đã chủ động chuẩn bị 1.700 tỷ đồng để bố trí tạm ứng để giải quyết bài toán vốn ở thời điểm giáp ranh giữa năm cũ và năm mới để cho các nhà thầu, đơn vị thi công, người lao động yên tâm tiếp tục làm việc”, ông Hoan nói.