TPHCM sắp mở lại hàng loạt chợ

TP - Sau gần một tuần TPHCM cho phép dịch vụ ăn uống được mở lại dưới hình thức “take away” (bán mang đi), nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn dè dặt khi tái khởi động. Thành phố đang có kế hoạch mở lại hàng loạt chợ.
Shipper “đi chợ hộ” tại siêu thị. Ảnh: U.P

Lộ trình mở cửa chợ

Qua gần 20 ngày tiếp tục triển khai giãn cách xã hội (từ ngày 23/8 đến nay) theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, Sở Công Thương TPHCM thừa nhận, tình hình giao thương hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hoạt động cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến với người dân.

Thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.

“Do đó, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để rà soát, sau đó sẽ hướng dẫn các quận, huyện đồng loạt mở lại các chợ.

Trước mắt, Sở phối hợp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp được tiêm vắc-xin nhằm chuẩn bị nguồn “nhân lực xanh” để tái sản xuất, phối hợp UBND các quận, huyện triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp”, đại diện Sở Công Thương cho biết.

Theo Sở Công Thương, với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, việc bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại các khu vực kiểm soát tốt dịch được đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi… sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đại diện Saigon Co.op thông tin, đơn vị đang chuẩn bị tăng cường nguồn hàng hóa, nguồn nhân lực của đơn vị sẽ được tăng gấp đôi so với hiện tại. Tương tự, siêu thị Aeon Tân Phú cho hay, đã chuẩn bị đầy đủ các kênh mua sắm online, shipper đi chợ hộ, người dân đi chợ trực tiếp và chỉ chờ các địa phương triển khai mô hình nào siêu thị sẽ đáp ứng ngay.

“Riêng đối với đề xuất của Sở Công Thương cho phép người dân đi mua sắm theo hình thức áp dụng phiếu đi chợ theo ngày/tuần sẽ giúp người dân giảm bớt được rất nhiều bất tiện trong việc mua hàng. Đây sẽ là bước ngoặt rất lớn để sớm đưa cuộc sống của người dân dần trở lại nhịp sống bình thường”, đại diện AEON Tân Phú nói.

“Án binh bất động”

Trưa 13/9, tại nhiều khu vực ẩm thực ở quận 6, Bình Tân, Bình Thạnh…, hàng quán vẫn “cửa đóng then cài” dù đã được phép kinh doanh trở lại. “Nhiều điều kiện quá khó như “3 tại chỗ”; bán hàng trực tuyến, đặt ứng dụng shipper giao hàng; chỉ bán nội quận… khiến chúng tôi không đáp ứng được nên chưa thể kinh doanh trở lại”, chị Thanh, chủ quán phở Hà Thanh (Hậu Giang, quận 6) nói.

Ở quận 3, đơn vị muốn kinh doanh phải đáp ứng 8 điều kiện: có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh và người lao động đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng COVID-19; “3 tại chỗ”; khuyến khích thanh toán online; chỉ bán mang đi.

Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh và người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn 48 giờ trước khi hoạt động trở lại; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần… Theo UBND quận 3, hiện có khoảng 20 hộ được niêm yết bảng nhận diện “hộ kinh doanh an toàn”.

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh F&B (ẩm thực) tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng “án binh bất động”. Đại diện hệ thống Satra cho biết, tại 2 trung tâm thương mại Satra Phạm Hùng và Satra Củ Chi, các đơn vị kinh doanh F&B có thương hiệu chưa đề cập chuyện tái kinh doanh.

“Nguyên nhân do việc mở cửa phải chịu rất nhiều chi phí vận hành. Thực tế, các dịch vụ F&B đang bị động bởi gian hàng bán là những ki-ốt chỉ đủ diện tích để kinh doanh trong ngày, không giải quyết được chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên việc thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời khả năng lây nhiễm sẽ cao khi lượng người trong trung tâm thương mại tăng”, đại diện Satra cho biết.