TPHCM: Phẫu thuật nâng ngực cho bé trai 14 tuổi

TPO - Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) vừa thực hiện thành công cuộc phẫu thuật nâng ngực cho cậu bé 14 tuổi bị lõm ngực bẩm sinh, nguy cơ biến chứng nguy hiểm khi đến tuổi trưởng thành.

Bệnh nhân là em C.V.G.H. (14 tuổi) đến bệnh viện trong tình trạng bị lõm ngực bẩm sinh. Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện phần xương ức của bệnh nhân bị lõm sâu vào trong, gây biến dạng hẹp thành ngực trước. Bệnh nhân nhập viện muộn, khung xương lồng ngực đã phát triển, khó khăn khi thực hiện các kỹ thuật nâng ngực.

Tình trạng trên khiến bệnh nhân mệt nhiều, khó thở khi vận động hoặc chơi thể thao. Nếu không được can thiệp, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ bị ép tim, ép phổi, đẩy lệch các bộ phận nội tạng trong lồng ngực, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện thành công cuộc phẫu thuật nâng lồng ngực bị lõm bẩm sinh

Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nâng ngực cho bệnh nhân bằng phương pháp phẫu thuật Nuss chỉnh hình xâm lấn tối thiểu. Qua 2 đường mổ nhỏ, các bác sĩ đã sử dụng thanh nâng ngực đặt thành công vào bên trong lồng ngực của bệnh nhân.

BS Phan Văn Tiếp, người trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật cho biết, sau khi nâng xương ức chỉnh hình lồng ngực, dị dạng lồng ngực của bệnh nhân đã được khắc phục hoàn toàn, các chỉ số và điện tim của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập thở bụng và tập vật lý trị liệu hô hấp giúp phục hồi trở lại các sinh hoạt bình thường. Dự kiến khoảng 2 năm kể từ ngày phẫu thuật, khi xương ức ổn định, khung sườn (đã nắn) cứng chắc, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lấy thanh dụng cụ.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bị lõm ngực bẩm sinh, phụ huynh cần đưa con em mình đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám, can thiệp sớm khi xương lồng ngực đang trong giai đoạn phát triển và chưa dị dạng nhiều. Nếu để đến tuổi vị thành niên, phần xương sườn, xương ức tương đối cứng chắc và phát triển dị hình theo hình thái lõm sẽ khiến việc can thiệp gặp nhiều khó khăn do xương cứng chắc, khó uốn nắn.