TPHCM họp bàn tăng thuế, phí nhiều mặt hàng

TPO - Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fullbright), việc tăng thuế các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá… sẽ tác động đến du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Chuyên gia lo ngại TPHCM tăng thuế rượu, bia, thuốc lá... sẽ tác động đến ngành du lịch

Chiều 11/12, dưới sự chủ trì của chủ tịch Nguyễn Thành Phong, UBND TPHCM đã làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chức năng và một số chuyên gia về triển khai Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM.

Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM phải nhanh chóng xây dựng các đề án để trình thành uỷ và HĐND TPHCM xem xét vào giữa năm 2018.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết đã xây dựng danh mục các loại phí mới dự kiến sẽ thu và các loại phí, lệ phí dự kiến có sự điều chỉnh.

TPHCM đưa ra một số loại phí không phải để thu mà mục đích là nhằm điều tiết kinh tế - xã hội. Các loại phí có loại tăng nhưng cũng có loại giảm chứ không tăng đều và thẩm quyền quyết định là HĐND TPHCM.

Bà Thắng cho rằng một khi tăng thuế, cần có sự đánh giá tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội như trong đó có thu hút đầu tư vào TPHCM.

Còn lãnh đạo Sở Tư Pháp TPHCM cho rằng phải xây dựng hội đồng tư vấn cho UBND TPHCM để triển khai thực hiện các đề án, đặc biệt là đánh giá sự tác động đến đời sống người dân.

TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fullbright) cho rằng khi tăng thuế, phí cần phải đánh giá đến tác động, không chỉ đối với nguồn thu mà cả tổng thể về kinh tế xã hội.

Đơn cử như TPHCM muốn tăng thuế rượu, bia, thuốc lá là những mặt hàng không khuyến khích sử dụng nhưng chắc chắn sẽ tác động đến ngành du lịch, trong khi thành phố mong muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

TS Trần Du Lịch đồng tình: việc điều chỉnh hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế về môi trường cần phải nghiên cứu kỹ. Việc tăng thuế thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu,… phải đánh giá sự tác động đến nền kinh tế.

“Như ô tô, nếu như tăng thuế thì người ta chuyển chỗ khác để nhập, không đưa về TPHCM. Do đó, riêng về thuế phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh”, TS Lịch nói.

Theo chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cơ chế đặc thù là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn của TPHCM.

Về cơ chế tài chính ngân sách, thu nhập, ông Phong chỉ đạo thành lập một nhóm nghiên cứu, xây dựng đề án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến và sự hỗ trợ của các chuyên gia. Đến ngày 15/1, nhóm soạn thảo phải hoàn thành đề cương báo cáo UBND TPHCM.