Theo Sở Y tế TPHCM, hiện tại TPHCM mỗi phường xã có 1 trạm y tế, nhân sự phụ trách chuyên môn tại trạm chỉ có 5 - 10 người. Trong khi đó hầu hết các phường xã đều có quy mô dân số trên 50.000 người. Với lực lượng nhân sự quá mỏng, các trạm y tế không thể đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Thực tế hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế trước khi dịch bùng phát đã không mang lại hiệu quả, hầu hết người bệnh đều bỏ trạm y tế, chuyển lên khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến quận huyện. Khi dịch bùng phát, nhân viên y tế phải căng mình chống dịch làm việc cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không đủ đáp ứng.
Hiện nay, dịch đã tạm lắng, ngoài nhiệm vụ tiếp tục phòng chống dịch, các trạm y tế còn phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ khác từ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đến kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lao, HIV… Tình trạng quá tải công việc của các trạm y tế vẫn tiếp diễn.
Để tháo gỡ khó khăn trên TPHCM đã đề xuất phương án tăng cường nhân sự cho trạm y tế với quy mô ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân. Sở Y tế TPHCM cũng đang có các giải pháp nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, đáp ứng các hoạt động phòng chống dịch, thu hút người dân đến khám bệnh chữa bệnh trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên ngày 14/2, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Vào ngày 16/2, Sở Y tế sẽ tổ chức lễ ra quân lần đầu tiên đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế. Đây là các bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ được thực hành 12 tháng tại các trạm y tế với sự hỗ trợ chuyên môn và đào tạo của bác sĩ các bệnh viện, thời gian 6 tháng thực hành còn lại sẽ trở về bệnh viện”.
Theo PGS Tăng Chí Thượng, thay vì trước đây bác sĩ trẻ mới ra trường sẽ phải chi trả tất cả các chi phí trong quá trình thực hành thì với kế hoạch đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế, thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí. Các bác sĩ trẻ sẽ vừa thực hành, vừa học tập và phụ việc cho các trạm y tế. Đây là giải pháp nhằm nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở. Ngay sau khi triển khai, chương trình đã nhận được sự đăng ký tham gia của 310 bác sĩ trẻ.