Trước tình hình trên, Sở Y tế đề TPHCM nghị Bộ Y tế cần có giải pháp dự trữ thuốc hiếm và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, sản xuất thuốc điều trị bệnh lý này.
Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM từ đầu năm 2023 đến nay 20 tỉnh thành tại khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 11.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Với sự xuất hiện của chủng EV71 số trẻ mắc bệnh đang tiếp tục tăng nhanh, hiện đã có 7 trường hợp tử vong vì loại bệnh này. Lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không có các giải pháp phòng chống hiệu quả.
Ngành y tế TPHCM hiện đang trở thành tuyến cuối trong thu dung, điều trị bệnh nhân tay chân miệng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu các loại thuốc trong điều trị TCM đặc biệt là Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) đã khiến trẻ bị TCM mức độ nặng ở các tỉnh chuyển về TPHCM ngày càng nhiều gây áp lực lên hệ thống điều trị của thành phố.
Trước tình hình trên, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch TCM ở 3 cấp độ từ thấp đến cao với khả năng đáp ứng 1.400 giường và 50 giường hồi sức tích cực. Sở Y tế đã chỉ đạo 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gen xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ bệnh phẩm của các bệnh nhân TCM.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đang chủ động hỗ trợ chuyên môn điều trị TCM cho bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh trong khu vực, không để xảy ra các trường hợp chuyển bệnh không an toàn từ tuyến tỉnh về thành phố.
Trong bối cảnh bệnh TCM tăng nhanh, ngày 25/6 Sở Y tế TPHCM cho biết, sở đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị TCM để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp TCM nặng, từ đó giảm tỷ lệ chuyển độ cũng như giảm tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh TCM ở trẻ.
Khuyến khích doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin
Theo Sở Y tế TPHCM với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 (EV71) bệnh nhi ở nhiều tỉnh, thành phía Nam trở nặng ngày càng nhiều cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG). Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG - là thuốc chỉ sản xuất được từ huyết tương người và chưa sản xuất được trong nước nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu.
TCM là một loại dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch TCM. Sở Y tế TPHCM đề xuất Bộ Y tế triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất UBND TPHCM cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu.