Gần một nửa số biệt thự cổ bị tháo dỡ
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 biệt thự cũ. Trong đó, các cấp chính quyền sở hữu và quản lý khá nhiều biệt thự cũ, chủ yếu được tiếp quản lại từ sau năm 1975. Quỹ biệt thự cũ này không được bổ sung do hạn chế về ngân sách. Ngược lại, số lượng và chất lượng ngày càng giảm do bị tháo dỡ hư hỏng, đổ nát hoặc sử dụng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình mới hoặc được bán.
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, hơn 10 năm qua, gần một nửa số biệt thự cổ bị tháo dỡ, đập bỏ. Nguyên nhân được đưa ra một phần là thủ tục duy tu, tôn tạo nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu (tư nhân) tự ý can thiệp. Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ đã bị tháo dỡ hoặc sửa chữa chắp vá.
Đơn cử, giữa tháng 6/2016, chủ sở hữu đã bất ngờ cho tiến hành tháo dỡ căn biệt thự trăm tuổi ở 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Thông tin này khiến giới nghiên cứu và dư luận xôn xao vì đây là căn biệt thự thuộc nhóm 1 (phải bảo tồn nguyên bản).
Đến tháng 7/2016, nhiều người yêu mến Sài Gòn xưa lại tiếc nuối vì ngôi biệt thự số 12 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1 đã bị chủ sở hữu tháo dỡ để xây dựng công trình mới.
Để bảo tồn biệt thự cổ, TPHCM thành lập Hội đồng phân loại biệt thự (HĐPLBT). Năm 2018, UBND TP ban hành tiêu chí đánh giá phân loại biệt thự cổ và năm 2020 lần đầu ban hành quyết định phân loại biệt thự (đợt 1 và 2).
Trong thời gian tiến hành phân loại đã phát hiện thêm nhiều căn biệt thự cổ đã “biến mất”.
Nên xem lại cách bảo tồn
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, cần xem lại cách bảo tồn biệt thự cổ. Một là, phải phân loại tốt hơn, phải phân biệt rõ chỉ nên giữ lại những biệt thự nào độc đáo về mặt lịch sử, đại diện cho một phong cách kiến trúc, hoặc gắn liền một sự kiện lịch sử. Nếu để giữ hết lại tất cả biệt thự cổ thì rất khó, khó cho cả dân, còn về phía Nhà nước thì chưa có kinh phí để hỗ trợ bảo tồn.
Muốn biệt thự cổ nào đó là di sản để bảo tồn thì phải đưa nó vào hoạt động thực tế (di sản sống). Cần học tập kinh nghiệm ở Hội An, Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Khổ như ở nhà cổ
Theo HĐPLBT TPHCM, một trong những thách thức lớn đối với công tác bảo tồn biệt thự cổ là sự mâu thuẫn giữa lợi ích chung về nhu cầu bảo tồn di sản kiến trúc của xã hội đôi lúc không song hành cùng lợi ích riêng, nhu cầu của cá nhân hay đơn vị đang sở hữu biệt thự cũ.
Một thành viên trong HĐPLBT TPHCM cho rằng, các căn biệt thự cổ ở TPHCM phần nhiều nằm ở khu vực trung tâm thành phố, giá đất cao, nhiều chủ sở hữu muốn đập bỏ để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, việc phá dỡ hay cơi nới các biệt thự cổ còn xuất phát từ nhu cầu trước mắt của chủ nhà, khi họ còn phải có nơi sinh hoạt, tìm kế sinh nhai…
Trường hợp căn biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long, chủ sở hữu là bà Lê Thị Kim Oanh vay 31 tỷ đồng và chi thêm 4 tỷ đồng của cá nhân để mua căn biệt thự này. Sau khi Văn phòng Đăng ký Đất đai TPHCM cấp giấy chủ quyền, bà Oanh mất gần 1 năm để xin giấy phép sửa chữa. Tuy nhiên, bà nhận được hơn chục văn bản trả lời của UBND quận Bình Thạnh cùng nội dung “chờ các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết”.
Đến lúc mái nhà đổ sập, vào năm 2016 bà Oanh quyết định tự ý tháo dỡ căn biệt thự do mình sở hữu. Khi công việc tháo dỡ gần xong thì chính quyền phát hiện và ra quyết định đình chỉ việc tháo dỡ để cơ quan chức năng đánh giá lại. Mất gần 2 năm, bà Oanh gồng gánh trả lãi ngân hàng. Đến năm 2018, UBND quận Bình Thạnh và Sở QH-KT TPHCM đã đánh giá lại và cho rằng biệt thự trên thuộc nhóm 3 (không cần bảo tồn). Từ đó, HĐPLBT TPHCM xem xét và chấp thuận cho tháo dỡ công trình này…
Tháng 5/2018, chủ sở hữu căn biệt thự tại địa chỉ 124 Nơ Trang Long, phường 14, Quận Bình Thạnh bị tháo dỡ một phần do công trình xuống cấp trầm trọng. Trong biên bản làm việc với UBND quận Bình Thạnh, chủ nhà cho rằng khi thấy công trình sập đã thuê thợ tháo dỡ thêm và không xin ý kiến của chính quyền vì thủ tục cấp phép nhiêu khê, mất rất nhiều thời gian.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM cho biết, vấn đề bảo tồn biệt thự cổ ở TPHCM là người dân (chủ sở hữu) không đồng tình với việc đưa biệt thự của họ vào danh sách bảo tồn.
“Ở Quận 1, Quận 3 mua một căn biệt thự của Pháp xây dựng giá trị lên đến hàng nghìn cây vàng. Các công trình cổ này đã có hơn 100 tuổi, đều đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Người dân ở đó, con cái lớn lên lấy vợ, lấy chồng, làm như thế nào để sửa sang, xây mới..? Họ có nhu cầu, nhưng rơi vào danh sách bảo tồn thì không thể thực hiện các công việc đó. Còn về phía Nhà nước, muốn giữ biệt thự cổ để bảo tồn làm di tích, di sản thì lại chưa có hỗ trợ được gì cả. Đây là các vấn đề khó khăn cần phải có biện pháp”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến.