TPHCM: Bảo vệ chợ đầu mối Bình Điền trong vòng vây dịch COVID-19

TPO - Chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, TPHCM ) từng là ổ dịch lớn trên địa bàn, sau hai tháng đóng cửa vì có nhiều ca mắc COVID-19, chợ bắt đầu triển khai hoạt động tập kết và trung chuyển hàng hóa trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh ngoài cộng đồng đang diễn biến phức tạp nguy cơ tấn công vào chợ bất kỳ lúc nào, ngành y tế đang chủ động các biện pháp ngăn chặn.

Chợ đầu mối Bình Điền trực thuộc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền. Đây từng là ổ dịch lớn và nghiêm trọng trên địa bàn TPHCM trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư đang diễn ra. Trước thời điểm phải tạm ngừng hoạt động, chuỗi lây nhiễm từ ổ dịch này có hàng nghìn ca mắc COVID-19.

Tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền hối hả trở lại với công việc sau khi thành phố cho phép hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa

Từ ngày 7/9 chợ đầu mối Bình Điền được cho phép mở điểm trung chuyển hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau 3 ngày được phép hoạt động, chợ đang vận hành các điểm tập kết và trung chuyển những loại hàng hóa như: Hải sản, rau xanh, thực phẩm thiết yếu, thịt tươi…

Các hoạt động diễn ra từ 16 giờ chiều đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Địa điểm tại sân chợ theo mặt bằng được bố trí cho từng ô vựa. Mỗi điểm có diện tích 720m2, đảm bảo giãn cách. Đặc biệt, điểm trung chuyển chỉ là nơi giao nhận hàng hóa, không diễn ra hoạt động mua bán giao dịch và sơ chế tại chỗ.

Đại diện chợ cho biết, ban đêm hàng hóa từ các nơi sẽ tập kết về đây, sau đó sẽ được chuyển đi phục vụ các hệ thống bán lẻ, bệnh viện, bếp ăn, bếp từ thiện…Các thỏa thuận về giá cả, số lượng chủ yếu giao dịch qua điện thoại, Zalo. Các hoạt động này sẽ giúp giải quyết sự khan hiếm hàng thực phẩm tươi ngon trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện tại các xe ra vào vận chuyển hàng hóa đang được kiểm tra nghiêm ngặt về y tế. Việc xét nghiệm COVID-19 cũng như các thông tin về tiêm chủng vắc xin cũng được kiểm soát, chỉ những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và đã tiêm 1 đến 2 mũi vắc xin mới được đăng ký vào hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng giữa) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chợ đầu mối Bình Điền

Ngoài thực hiện 5K, chợ Bình Điền đã thành lập Tổ y tế tại chỗ thực hiện test nhanh. Ban quản lý chợ đã xây dựng phương án xử lý khi có trường hợp nhiễm COVID-19. Thành lập khu cách ly tạm thời, lập đội phản ứng nhanh theo hướng dẫn của HCDC. Khi các giao dịch diễn ra kết thúc vào 8 giờ sáng thì tiến hành ngay việc vệ sinh, khử khuẩn.

Ông Phan Anh Nguyên, cán bộ quản lý Công ty Quản lý chợ đầu mối chia sẻ, sau khi khởi động tập kết và trung chuyển nên đến nay mới có 20 thương nhân đăng ký vào hoạt động. Ngày dịch bệnh chưa căng thẳng thì phân phối khắp khu vực phía Nam nhưng hiện nay hàng hóa tập trung về chỉ phân phối chủ yếu cho địa bàn TPHCM. Toàn bộ phương tiện ra vào chợ được bố trí phân luồng giao thông một chiều. Các xe tham gia hoạt động tập kết phải có nhật ký hành trình, khai báo y tế, cài đặt bluezone. Các xe vào chợ phải được phun khử khuẩn. Xe vận chuyển phải có mã QR và tuân thủ các quy định về vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Theo ông Nguyên, chợ Bình Điền, là nơi giao thương về thực phẩm thiết yếu cho hàng loạt tỉnh, thành phía Nam và miền Tây Nam Bộ. Khi chưa bùng phát dịch bệnh, có khoảng gần 2.000 tiểu thương hoạt động với trên 10.000 người đến giao dịch mỗi ngày. Để khôi phục hoạt động kinh doanh, buôn bán, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng Ban quản lý chợ Bình Điền mong muốn các tiểu thương được “bao phủ” vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cho chợ đầu mối Bình Điền, trong buổi kiểm tra vào chiều tối 9/9 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Cùng với test nhanh toàn bộ, đặc biệt là tài xế thì phải đảm bảo tốt giữ khoảng cách. Khu vực trung chuyển hàng hóa, ai không có nhiệm vụ thì không vào tiếp xúc. Ngoài khẩu trang thì mang thêm kính chắn giọt bắn. Bà con tiểu thương phải tuân thủ tốt quy định phòng dịch không chỉ khi ở chợ mà cả khi về nhà hoặc khi di chuyển đến các nơi khác.